Chuyên đề “Vai trò của ngành Thủy sản trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa”: Bài 1: Về đâu những phận đời diêm dân?

Dưới tiết trời nắng nóng như đổ lửa, người dân tìm chỗ mát mẻ để nghỉ ngơi, thì những diêm dân ở xã Tam Hòa, xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lại “lăn ra” cánh đồng muối trắng để ăn mừng bội thu. Để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi, diêm dân vất vả là thế, nhưng giá trị đưa lại từ thành quả lao động của họ rất thấp, nên nhiều người đã vì gánh nặng áo cơm mà từ bỏ nghề gia truyền bấy lâu để đi làm thuê kiếm sống…

Lời tòa soạn: Ngày 09/02/2023, dưới sự chủ trì của ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã được tổ chức góp ý vào Đề án Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiều 14/02, ông Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án “Phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Thanh Hoá”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Theo kế hoạch, Dự án được thực hiện từ năm 2023 – 2027, tổng vốn 400 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi WB gần 330 tỷ đồng, còn lại là đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Để phát huy hơn nữa vai trò và tính hiệu quả của Dự án và khích lệ tinh thần, cổ vũ kịp thời các cá nhân, tập tập thể, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh xin giới thiệu đến Quý độc giả gần xa Chuyên đề “Vai trò của ngành Thủy sản và kinh tế biển trong phát triển Kinh tế tỉnh Thanh Hóa".

Đặc trưng nghề làm muối

Trong những ngày đầu mùa hè, tại tỉnh Thanh Hóa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 39- 41 độ C, cỏ cây đều khô héo vì cái nắng như đổ lửa. Đấy lại là lúc mùa màng của diêm dân được bội thu, vì tỷ lệ thành muối cao và chất lượng muối cũng đạt được độ mặn tốt.

2-11-1682271531.jpg

Nắng càng to thì hạt muối càng trắng và chất lượng càng cao

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bác Phạm Thị Thành ở thôn Nam Tiến cho biết: “Nghề làm muối cơ cực lắm, tranh thủ lúc nắng ra ruộng muối để dẫn nước về ruộng rồi phơi muối, nắng sẽ làm nước biển bốc hơi và để lại muối. Nghề này nắng càng to, diêm dân càng được mùa…”.

Trên một ruộng muối khác, bác Phạm Văn Thuận tranh thủ lúc nắng nóng để cào muối thành những đống nhỏ, phía trên bờ là một đống muối lớn trắng tinh. Bác Thuận cho hay: “Biết là nắng nóng vất vả nhưng nắng càng to hạt muối càng trắng tinh, hạt đẹp, chất lượng muối cũng tốt hơn”.

1-12-1682271549.jpg

Những ngày nắng nóng là lúc diêm dân được mùa.

Dù nắng như đổ lửa, thế nhưng những người làm muối ở lại mong trời nắng to hơn, kéo dài thêm để những ruộng muối nhanh kết tinh, hạt to đẹp, chất lượng tốt hơn, giá thành được nâng cao.

Để làm ra được hạt muối, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn lao động vất vả, đầu tiên là xử lý nền đất cho thật chặt để hạn chế tối đa nước biển thấm xuống nền. Tiếp theo là công đoạn phơi cát đã được ngâm nước biển. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ, người ta dùng xẻng xúc cát đã được phơi khô vào các hố và nén thật chặt. Sau đó, đổ nước biển vào và lắng lấy nước muối. Cuối cùng là đổ nước muối đã được lắng kỹ vào nền ruộng xi măng. Sau khi phơi gần một ngày, muối sẽ lên hạt cũng là thời điểm thu hoạch.

Anh Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Hợp Tác xã Muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc cho biết: “Nắng nóng là điều kiện khá thuận lợi nên bà con diêm dân tranh thủ ra đồng làm muối vì nghề làm muối phụ thuộc vào thiên nhiên, chỉ có nắng mới làm được muối. Hiện nay cả xã vẫn còn 40ha muối nằm tập trung ở hai cánh đồng Nam Tiến và Chương Xá với khoảng 150 hộ dân làm nghề muối”.

Những phận đời diêm dân về đâu trong vòng xoáy nỗi lo cơm, gạo?

Để làm muối, đa phần diêm dân đều có hoàn cảnh khó khăn. Nghề làm muối gian nan, cực khổ là vậy những tưởng diêm dân sẽ nhận được thành quả xứng đáng với công sức họ bỏ ra nhưng mấy năm trở lại đây, làng nghề này điêu đứng vì muối mất giá, không mấy ai mua. Dưới cái nắng nóng như đổ lửa hắt xuống nền bê tông khô khốc, phảng phất hơi muối mặn, không một bóng cây mà hình ảnh diêm dân chỉ loang loáng kính sáng khi nhìn từ xa. Trước đây, cuộc sống vốn khó khăn nhưng mỗi kg muối trắng sau bao vất vả làm ra được mang đi bán lấy tiền mua gạo trắng ăn qua ngày cũng đỡ được phần nào chi tiêu trong mỗi gia đình. Nhưng nay thì có sự xuất hiện của các hãng muối công nghiệp, đa dạng về chủng loại, hương vị và giá thành cũng vì thế giảm dần. Cũng từ đó, cuộc sống của diêm dân vốn cơ cực, nay trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết.

3-10-1682271689.jpg

Để làm ra được hạt muối người dân phải trải qua nhiều công đoạn vất vả.

Chị Nguyển Thị Hải (một người dân phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) chia sẻ: "Các chú tính chứ làm ra hạt muối cực nhọc là vậy, mà bán ra giờ có khi còn không mua nổi bó rau. Trong khi các cửa hàng tiện lợi hay gian hàng tạp hóa họ bán nhiều loại muối như i ốt; muối mì tôm; muối trắng công nghiệp Việt Quang… nên bà con diêm dân ở đây thường bỏ nghề đi làm thuê, người thì làm phụ hồ xây dựng, hay ra thành phố kiếm việc bốc vác để lấy tiền về chăm lo cuộc sống gia đình. Đồng muối bỏ hoang, nếu có nhà nào có điều kiện chuyển đổi công việc cần số diện tích nhiều thì họ thuê lại. Cũng vì cuộc sống khó khăn, nên nghề làm muối cũng mai một dần và giờ thì ít người làm lắm..!".

diem-dan-1682307523.jpg
Sau khi nén chặt cát, người dân mới múc nước đưa vào ruộng muối

“Tiền thuê nhân công cao, giờ muối lại không bán được, nên cũng không có tiền trả cho những người làm thuê. Để cố bám trụ với nghề, thấy cánh đồng muối để không, có những gia đình phải bán đất ở của gia đình rồi thuê đất làm muối mong cải thiện đời sống khó khăn, nhưng rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn của cái sự nghèo khó. Vì có những thời điểm muối thu hoạch được nhiều, thì lại mất giá, còn không thì ngược lại và bị cạnh tranh bởi các công ty sản xuất muối công nghiệp. Điều này khiến chúng tôi và những diêm dân ở đây điêu đứng vì lỗ vốn. Đến lúc muối có giá, thì lại không có muối để bán. Nghề muối chỉ làm được 6 tháng nắng, 6 tháng mưa thì nghỉ. Nhưng để kiếm thêm thu hoạch cho gia đình, nhiều nhà phải đi làm thuê kiếm thêm đồng tiền. Nghề làm thuê cũng vất vả đấy, nhưng sao có thể sánh với cái vất vả của nghề làm muối được? Nhiều người có về làm lại nghề muối, nhưng rồi cũng chỉ là làm cho bớt nhớ nghề mà thôi…!”, ông Lê Thành Lam (một người dân ở xã Hải Thanh) buồn rầu nói.

Hiện nay, nhiều hộ làm muối vì không có tiền thuê nhân công, muối lại liên tục mất giá nhiều năm, họ lại không có vốn, nên đành bỏ nghề làm muối để kiếm nghề khác mưu sinh. Giờ đây chỉ còn lại những cánh đồng muối bỏ hoang, nhiều hơn là những ruộng muối trắng tinh như trước.

Kính mời độc giả đón đọc bài 2: Nông Cống (Thanh Hóa): Để ngành thủy sản sớm “nở hoa” trên vùng nước lợ

Lê Gia - Sông Lô