Kỹ thuật tưới nhỏ giọt giải 'cơn khát' vùng hành tím Vĩnh Châu trước nguy cơ cạn kiệt nước ngầm

Với diện tích hàng năm lên đến 7.000ha, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được ví như "thủ phủ" hành tím của cả nước. Tuy nhiên, một trong những trăn trở của người trồng hành tím nơi đây là tình trạng cạn kiệt nguồn nước dẫn tới giảm năng suất. Bởi vậy việc ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt đem lại những lợi ích kép cho vùng hành tím lớn nhất cả nước.

Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) với lợi thế có vùng đất cát trải rộng là nơi chuyên canh hành tím lớn nhất cả nước với diện tích hàng năm lên đến 7.000ha. Theo tập quán canh tác, những năm qua, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất tại đây chủ yếu được khai thác từ nước ngầm. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác quá mức, nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

tuoi-nho-giot-hanh-tim-vinh-chau-1-1743389306.jpg
Nông dân đánh giá phương pháp tưới nhỏ giọt giúp hành tím tăng năng suất và tiết kiệm chi phí đầu tư. (Ảnh Kim Anh)

Theo TS Đặng Kiều Nhân – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), nước ngầm ở ĐBSCL không được bổ cập tại chỗ mà có nguồn gốc từ Đông Nam Bộ và đồng bằng Campuchia với tốc độ di chuyển rất chậm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước ngầm cho canh tác nông nghiệp và các mục đích sinh hoạt ngày càng tăng khiến lượng nước bổ cập không đủ bù đắp cho lượng khai thác, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.

Tại thị xã Vĩnh Châu, trước đây nông dân chỉ cần khoan giếng ở độ sâu nhất định, sau đó đặt ống và bơm nước lên để tưới. Tuy nhiên hiện nay, cũng với độ sâu đó nhưng nước không còn đủ để bơm, buộc nông dân phải đặt ống sâu hơn, đồng thời phải bơm hơi xuống để tạo áp lực đẩy nước lên.

Theo ông Châu Văn Thến – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Vĩnh Châu, mọi năm vào mùa khô hạn địa phương không xảy ra tình trạng thiếu nước do người dân tìm mọi cách để lấy được nước ngầm lên. Trước đây, bà con chỉ cần sử dụng 1 mô tơ để hút nước thì nay phải dùng thêm các ống thổi để bơm nước ở độ sâu khoảng 50m. Nếu nước vẫn không đủ, bà con tăng độ sâu lên 70 – 80m và sử dụng thêm 2 mô tơ.

tuoi-nho-giot-hanh-tim-vinh-chau-4-1743389348.jpg
Tưới tay là phương pháp truyền thống nông dân Vĩnh Châu đang áp dụng làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. (Ảnh Kim Anh)

Nhằm giải quyết bài toán thiếu nước cho vùng hành Vĩnh Châu, năm 2024, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Vĩnh Châu và một số đối tác triển khai dự án chuyển đổi sang chuỗi giá trị hành tím bền vững ở ĐBSCL. Dự án do Cơ quan doanh nghiệp Hà Lan (RVO) tài trợ, kéo dài trong 2 năm. Một trong những điểm nhấn của dự án là chuyển giao kỹ thuật tưới nhỏ giọt cho hành tím.

Hệ thống này được đánh giá có nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước tưới; giảm chi phí nhân công; hạn chế thất thoát phân bón; giảm tác động của gió và không làm ướt lá hành… Từ đó giúp nông dân nâng cao năng suất so với phương pháp tưới tay truyền thống.

Hệ thống này sử dụng các béc xoay mini và dây nhỏ giọt đường kính từ 12 – 15mm, với khoảng 3 – 4 dây nhỏ giọt/luống (tùy loại đất). Theo tính toán của các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tổng chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt khoảng 8,2 triệu đồng/ha, trong khi phương pháp tưới tay tốn khoảng 11 triệu đồng/ha (lắp đặt máy móc và nhân công tưới). Như vậy, nông dân có thể tiết kiệm gần 2,8 triệu đồng/ha khi chuyển đổi sang phương pháp tưới này.

tuoi-nho-giot-hanh-tim-vinh-chau-2-1743389374.jpg
Mô hình trồng hành tím ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại thị xã Vĩnh Châu. (Ảnh Kim Anh)

Kết quả thử nghiệm tại một số mô hình ở thị xã Vĩnh Châu cho thấy với giống hành tím Vĩnh Châu truyền thống áp dụng phương pháp tưới tay, năng suất đạt khoảng 14,3 tấn/ha. Với kỹ thuật tưới nhỏ giọt, năng suất hành tăng lên 15,1 tấn/ha, mang lại nhiều triển vọng.

Những nông dân đầu tiên tham gia vào dự án đã không dấu được sự phẫn khởi bởi những lợi ích đem lại. Ông Thạch Sơn ở khóm 6, phường 1, thị xã Vĩnh Châu đang canh tác 2.000m2 hành tím. Hiện phương pháp tưới cho ruộng hành nhà ông chủ yếu là bơm từ nước ngầm. Trung bình mỗi tháng ông phải bỏ ra trên dưới 700.000 đồng tiền điện để bơm nước tưới, chưa kể chi phí thuê nhân công.

Vào mùa khô hạn, nước bơm lên rất yếu, gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Ông Sơn đánh giá: “Hệ thống tưới nhỏ giọt rất thích hợp với điều kiện gia đình bởi chi phí đầu tư không quá cao, nông dân không cực, có thời gian làm việc khác”.

Tương tự, ông Huỳnh Xùi Kháng cùng ngụ khóm 6, phường 1 đang trồng 5.000m2 hành tím với 2 giống hành tím Vĩnh Châu truyền thống và hành tím Maserati F1 (giống mới thử nghiệm).

Cách đây 8 năm, khi thử nghiệm trồng hành tím Maserati F1, ông Kháng liên tục gặp thất bại do kỹ thuật tưới tiêu không đúng quy trình khiến lá hành bị hư hại, mầm bệnh phát sinh.

Tuy nhiên từ năm 2024, khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chuyển giao, ruộng hành cho thấy hiệu quả khả quan, cây mọc đều, rễ ăn sâu, hạn chế tình trạng ứ đọng nước trên lá.

“Chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt không cao. Nếu thuê nhân công tưới tay tốn khoảng 4 triệu đồng/1.000m2, còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt dao động trong khoảng 2 - 3,5 triệu đồng (vật tư lắp đặt)”, ông Kháng cho biết.

tuoi-nho-giot-hanh-tim-vinh-chau-3-1743389292.jpg
Hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chuyển giao tại thị xã Vĩnh Châu. (Ảnh Kim Anh)

Ông Thạch Tiền - thành viên HTX rau màu Hòa Thành (ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu) nhận xét: Áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt lá hành không ướt nhiều nhưng độ ẩm trong đất đủ, cây phát triển tốt. Trong vụ hành tới, ông dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, giúp chất lượng củ hành tốt hơn.

Theo đánh giá, hành tím là cây trồng chủ lực của thị xã Vĩnh Châu. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên nước mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, để mô hình này phát huy hiệu quả, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và phát triển thị trường bền vững./.

PV (Theo nongnghiep.vn)