Khởi sắc thu hút FDI từ nỗ lực tinh gọn bộ máy, củng cố niềm tin doanh nghiệp vào môi trường đầu tư

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về tinh gọn bộ máy đã nâng cao hiệu quả và giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng tăng góp phần tạo khởi sắc thu hút FDI trong những tháng đầu năm 2025.

Hai tháng đầu 2025, tổng vốn FDI đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, khi đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-2-1743297950.jpg
Hai tháng đầu 2025, tổng vốn FDI đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, khi đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.(Ảnh minh họa)

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, vốn FDI thực hiện năm 2024 tăng cao cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, cũng minh chứng cho việc khu vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đã xác lập được vị thế quan trọng trên bản đồ chuỗi công nghiệp bán dẫn thế giới, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là điểm nhấn ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA hợp tác với Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy kinh tế Việt Nam. Trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đang dẫn đầu với 679,8 triệu USD, chiếm 31% tổng vốn đăng ký mới. Tiếp theo là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này cho thấy Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và NVIDIA - tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ- đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới (R&D) về AI hàng đầu châu Á. Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics… FDI giải ngân trong năm 2025 có khả năng vượt 30 tỷ USD.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-1-1743297992.jpg
Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Tại các diễn đàn kinh tế mới đây, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về kết quả thu hút FDI của Việt Nam và chia sẻ những dự báo lạc quan. Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam rất mạnh, vốn FDI giải ngân đạt kỷ lục là một thành tích đáng khen ngợi và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Dự báo triển vọng năm 2025, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế và vì thế, có nhiều cơ hội để tiếp tục là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI. “Đây là cơ hội quan trọng cho Việt Nam trong thu hút FDI, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số. Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam gợi ý.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. GDP của Việt Nam vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Theo đánh giá của ông Bruno Jaspaert, sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững.

Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhận định, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. “Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế. Mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo", ông Bruno Jaspaert nói.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, số liệu thống kê 2 tháng đầu năm nay cho thấy, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, kéo theo mức cam kết và giải ngân có mức chuyển biến tích cực. Điều này có hai câu chuyện đằng sau. Đó là trong bối cảnh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh phức tạp, đối đầu địa chính trị, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà nổi bật là lĩnh vực công nghệ. Việc này gắn liền với cuộc cải cách của Việt Nam, việc duy trì vị thế của Việt Nam, tính ổn định kinh tế, phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chủ động cải thiện môi trường đầu tư đón “đại bàng” công nghệ

Nhìn nhận về những biến chuyển trong dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cơ cấu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng, đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Rất nhiều dự án của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư (như công nghệ cao) đang triển khai các dự án.

Việt Nam đã chứng kiến sự quan tâm, cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, LG, SK. Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang thể hiện ý định đầu tư vào Việt Nam, trong đó có tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là những tín hiệu hết sức tích cực.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về tinh gọn bộ máy đã nâng cao hiệu quả và giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Sự gia tăng niềm tin kinh doanh được cho là nhờ vào các cải cách kinh tế liên tục và vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng đang duy trì chính sách ưu đãi thu hút FDI mạnh mẽ như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm cho các dự án đặc biệt.

Tuy nhiên, bối cảnh ngày càng có nhiều công nghệ mới và yêu cầu về tính minh bạch cao hơn, thủ tục hành chưa thật sự nhanh gọn, hệ thống thuế chưa đồng bộ, khó khăn trong việc cấp visa cho chuyên gia nước ngoài và năng lực phát triển cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, công nghệ thông tin  vẫn đang là một thách thức lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-3-1743297935.jpg
Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà nổi bật là lĩnh vực công nghệ. (Ảnh minh họa)

Ông Đoàn Hữu Hậu - Giám đốc dịch vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI tại FPT Digital cho biết, nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định nhờ vào chính sách vĩ mô hợp lý, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, và sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp và thị trường tiêu dùng nội địa.

Theo ông Hậu, Việt Nam cần có giải pháp đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo, tập trung vào nghiên cứu cơ bản, đào tạo tiếng Anh, để có nguồn nhân lực chất lượng hơn, xây dựng nguồn nhân lực cho AI và bán dẫn.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu nhiều lần tại các diễn đàn về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, đó là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và quan trọng phải làm sao cho sự phối hợp giữa Việt Nam với các tập đoàn đầu tư nước ngoài trên tinh thần cùng thắng. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu nắm được nguyên tắc này và thấm nhuần từ Trung ương đến địa phương, nhận thức biến thành hành động và hành động này sẽ sát với những gì nhà đầu tư cần.

Đặc biệt mới đây, Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (ban hành ngày 31/12/2024) với các chính sách ưu đãi đột phá, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, sẽ là bước đi quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục chủ động trong việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều quốc gia khác đã áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mà họ muốn thu hút đầu tư, vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chính là quá trình triển khai hỗ trợ, phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách, đồng thời, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra trục lợi chính sách.

TS. Võ Trí Thành lưu ý, trong 2025, giai đoạn đầu năm tính bất định khá cao khi chính quyền Mỹ thực thi nhiều chính sách mà có thể ảnh hưởng đến dòng thương mại đầu tư. Nhà đầu tư còn nghe ngóng, xem xét, định hình và ít nhiều còn do dự. Đây là vấn đề có thực, nhưng nếu chúng ta xử lý khéo léo câu chuyện đối tác, đẩy mạnh công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phát triển thì dòng vốn FDI sẽ tiếp tục vào đúng như kỳ vọng./.

Trọng Bình