“Vai trò của ngành Thủy sản trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa” bài 2: Huyện Nông Cống tìm hướng để ngành Thủy sản sớm “nở hoa” trên vùng nước lợ

Không tiếp giáp với biển, nhưng huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được "thiên nhiên ban tặng" hơn 300 ha mặt nước lợ tạo tiền đề cho người dân đầu tư phát triển ngành thủy sản. Thấy được lợi ích từ nghề nuôi tôm đem lại, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn "xuống tay" đầu tư, từ đó mà có cơ may tăng thu nhập cho hộ gia đình, vùng quê nghèo cũng từng bước “thay da đổi thịt”…

Lời tòa soạn: Quý độc giả thân mến, trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Vai trò của ngành Thủy sản và kinh tế biển trong phát triển Kinh tế tỉnh Thanh Hóa", Nhóm PV đã tiếp cận được với nhiều mô hình mới, nhiều cách làm hay của bà con Nông dân. Cũng từ cái sự "liều" trong gian khó, mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh tế mới mà họ đã có cơ may đổi đời. Trong bài này, Tạp chí giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện "Huyện Nông Cống tìm hướng để ngành thủy sản sớm “nở hoa” trên vùng nước lợ".

Chuyển đổi ngành nghề để nâng cao đời sống

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, những vùng nuôi trồng thủy sản của huyện này tập trung chủ yếu ở 4 xã là: xã Tượng Sơn; xã Tượng Văn; xã Trường Giang và xã Trường Trung. Trước đây, bà con nông dân chủ yếu dựa sống với nghề trồng cói, năng suất thấp khiến đời sống vô cùng khó khăn. Nhưng từ khi chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ dân đã chủ động vay vốn, cải tạo ruộng cói thành đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua..., theo hình thức quảng canh, điều này đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trước đây.

ti750yfd-1682448995.png
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nông Cống có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi tôm.

Được đánh giá là vùng có tiềm năng lớn, phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Cũng từ đó các công trình thủy lợi, hệ thống ao hồ từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống, tính đến năm 2022, toàn huyện có 257,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ. Phương thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, với quy mô từ 2 ha/hộ trở lên, nuôi theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng và nuôi quảng canh cải tiến đối với tôm sú. Tuy sản lượng không bằng nuôi theo mô hình công nghiệp, nhưng chi phí đầu tư thấp, lại cho chất lượng sản phẩm và giá thành cao. Ước tính, bình quân 1ha nuôi tôm Quảng Canh và Quảng canh cải tiến, người dân thu về 40 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Thấy được lợi ích của việc chuyển đổi ngành nghề, cho hiệu quả cao hơn so với những ngành nghề cũ, một số hộ dân đã mạnh dạn xây bể nuôi phôi con giống từ đó cho ra được giống tôm to, khỏe, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Việc xây dựng bể còn giúp các hộ chủ động được con giống, tiết kiệm được khoản tiền đầu tư ban đầu.

Ông Đồng Huy Luân (người dân xã Tượng Văn, huyện Nông Cống) chia sẻ: Việc xây dựng bể nuôi không chỉ giúp ta chủ động về con giống, tiết kiệm chi phí mà còn cung cấp các giống tôm khỏe mạnh phù hợp với điều kiện tự nhiên cho bà con, từ đó hạn chế được dịch bệnh. Nên những con giống ở đây được bà con trong vùng rất ưa chuộng. Cũng từ đó, gia đình lại tăng thêm nguồn thu…

“Quả ngọt đầu mùa”

Từng là địa phương khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa và cói, nhưng từ khi chuyển đổi sang nghề nuôi trồng thủy hải sản, đời sống bà con xã Tượng Văn cũng từng bước được nâng lên rõ rệt, không chỉ đủ ăn mà còn dư dả xây nhà, mua xe. Sản phẩm tôm chủ yếu được sơ chế, bảo quản đông lạnh và được tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa, thông qua chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, nhà hàng…

2-12-1682451128.jpg
Với diện tích hơn 300 ha, huyện Nông Cống được xem là vùng tiềm năng phát triển của ngành thủy sản

Ông Lê Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Văn cho biết: “Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi tôm, từ khâu tập huấn kỹ thuật đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của các hộ dân là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế. Chính quyền cũng đề xuất với lãnh đạo huyện tìm giải pháp để hỗ trợ người dân, để xây dựng ngành nuôi trồng thủy từ Quảng canh sang Quảng canh cải tiến và sang mô hình nuôi công nghiệp…!”.

Được biết, chi phí để đầu tư cho mô hình nuôi tôm cần số lượng lớn, trong khi để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế nên việc nhân rộng mô hình nuôi tôm gặp khó. Để khuyến khích các hộ xây bể nuôi theo mô hình Quảng canh cải tiến UBND huyện Nông Cống hỗ trợ 200 triệu đồng/01 bể.

Ngoài những thuận lợi nêu trên, nghề nuôi trồng thủy hải sản cũng gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt, là phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nhiều năm thiên tai, các hộ dân coi như mất trắng, hay hiện tượng “được rau mất giá” cũng khiến không ít hộ từ bỏ đồng tôm. Hơn nữa, đa số những diện tích ao nuôi thuộc đất công ích của xã Tượng Văn, chỉ có thể hợp đồng 5 năm/lần nên các hộ dân e dè trong khâu tập trung đầu tư cải tạo ao nuôi.

Nông Cống được đánh giá là vùng tiềm năng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, từ những khó khăn thách thức trên đã phần nào “kìm hãm” sự phát triển của một ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khắc phục được điều đó, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền nơi đây, cùng với bà con nông dân từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Để có những bước tiến vững chắc hơn sau những “Trái chín đầu mùa”, để ngành thủy sản sớm “nở hoa” trên vùng nước lợ nhiều tiềm năng và trở thành mũi nhọn của ngành Nông nghiệp nơi đây./. 

(Mời Quý độc giả đón đọc Bài 3: Nuôi tôm quảng canh, cái khó "bủa vây" cái khôn)

Lê Gia- Hà Minh