Hà Tĩnh: Triển khai dự án trồng chè theo hướng bền vững, an toàn

Bên cạnh lựa chọn các giống chè đem lại năng suất, chất lượng cao, người trồng chè Hà Tĩnh còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đây là hướng đi cần thiết và tất yếu, mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai.
che-1-1743389677.jpg
Hà Tĩnh triển khai dự án trồng chè theo hướng bền vững, hữu cơ.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, chè là một trong những cây trồng chủ lực. Chè công nghiệp Hà Tĩnh đã được trồng cách đây 50 năm, đến năm 2012, theo Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cây chè công nghiệp được xác định là cây trồng chủ lực, tập trung tại 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh.

Tính đến năm 2024, diện tích chè toàn tỉnh đạt 1.213ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 1.132ha. Năng suất chè bình quân đạt gần 123 tạ/ha. Sản lượng đạt gần 14.000 tấn, các giống chè chủ yếu được trồng là giống PH1, LDP1, LDP2. Năm 2017, toàn bộ diện tích chè của Hà Tĩnh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất chè công nghiệp ở Hà Tĩnh đã hình thành được chuỗi giá trị giữa Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, Tổng đội TNXP - XDVKTM với các hộ dân theo mô hình khép kín từ khâu cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Những năm qua, chè là một trong những cây trồng giải quyết việc làm cho lực lượng lớn và đem lại thu nhập khá cho người dân.

Với mỗi ha chè, nông dân có thể thu về bình quân 70 triệu đồng/năm. Nhưng nếu được đầu tư thỏa đáng, chăm sóc tốt thì có hộ có thể đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng kinh tế, bộ mặt kinh tế nông thôn, cây chè còn giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.

che-2-1743389600.jpg
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè,V(iện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc0 nghiên cứu phát triển các giống chè năng suất và chất lượng.

Tuy nhiên, theo phương pháp canh tác truyền thống phổ biến hiện nay, trước mỗi lứa thu hoạch, nhằm đảm bảo năng suất và hạn chế sâu bệnh phá hoại, cây chè thường được phun hoặc bón rất nhiều các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học các loại. Theo tính toán của nhiều nông dân trồng chè, hàng năm mỗi nương chè phải “gánh” hàng chục lượt phun thuốc trừ sâu, bón phân. Điều này ảnh hưởng lớn và lâu dài đến sức khỏe của chính những nông dân canh tác chè, người tiêu dùng và các hệ sinh thái lân cận như môi trường đất, nước, các loài sinh vật.

Thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng vùng chè, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để khai thác thị trường bán lẻ trong nước và vươn ra các nước có giá trị cao hơn. Từ đó, gia tăng giá trị và thu nhập từ sản xuất chè cho bà con nông dân, mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai, bên cạnh lựa chọn các giống chè đem lại năng suất, chất lượng cao thì việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ là rất cần thiết và tất yếu.

Từ tháng 01/2025 - 10/2026, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh” với quy mô 15ha tại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án với mục tiêu cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho sản phẩm chè búp tươi với năng suất đạt 15 - 20 tấn/ha chè búp tươi. Hiệu quả kinh tế tăng >15% đồng thời xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè, nhãn hiệu chè hữu cơ phù hợp với điều kiện tại Hà Tĩnh.

che-1743389593.jpg
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai.

Để thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện điều tra, khảo sát lựa chọn hộ dân tham gia Dự án được thực hiện tại 4 xã gồm xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh); xã Hương Trà (huyện Hương Khê); xã Sơn Kim 2 và xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn). Tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất chè hữu cơ tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên cho các hộ dân tham gia dự án. Đồng thời xây dựng mô hình chuyển đổi ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án này thành công sẽ xây dựng được mô hình và tài liệu hướng dẫn sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại Hà Tĩnh. Từ đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp liên quan tổ chức tuyên truyền về kết quả dự án, đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất, từng bước nhân rộng tại các vùng sản xuất chè công nghiệp của tỉnh, như các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh.

Bà Phùng Lệ Quyên - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chia sẻ: Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè, tuy nhiên điều kiện khí hậu khắc nghiệt cùng với việc các giống chè còn ít, chủ yếu sử dụng các giống chè cũ như PH1, LDP2… là các giống chè có chất lượng trung bình khá đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè.

che-1-1743389592.jpg
Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Cũng theo bà Quyên, Hà Tĩnh cần đa dạng hóa các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Thực hiện Dự án, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã chuyển giao quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, trực tiếp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ dân, phối hợp, hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đồng thời phối hợp, hỗ trợ xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh./.

Nguyễn Duyên