Xuất khẩu cá ngừ tăng kỷ lục và giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp, ngư dân đáp ứng quy định mới từ thị trường chủ chốt

Đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ghi nhận sự bứt phá khả quan. Tính riêng trong tháng 2 đã cán mốc gần 73 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024, đây cũng là mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua. Tuy nhiên xuất khẩu cá ngừ được dự báo sẽ đối mặt với những thách thức do những quy định mới từ thị trường nhập khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU.
xuat-khau-ca-ngu-2-1743382565.jpg
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 2 đã cán mốc gần 73 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024.(Ảnh minh họa)

Xuất khẩu cá ngừ tạo kỷ lục trong vòng 5 năm qua

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 2 đã cán mốc gần 73 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024, đây cũng là mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua.

Xu hướng tiêu thụ cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tiếp tục khởi sắc, với giá trị xuất khẩu tăng 23%. Ngược lại, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại có dấu hiệu suy giảm, giảm 9% so với cùng kỳ.

Như vậy, tính luỹ kế 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 139 triệu USD, tăng 6%. Trong đó, xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, tăng 23%. Trái lại, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại giảm 9%.

Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính trong tháng 2 phần lớn đều tăng trừ Italy, Israel và Mexico. Đáng chú ý trong tháng 2 này, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada hay Nhật Bản đều tăng trưởng ấn tượng.

xuat-khau-ca-ngu-4-1743382615.jpg
Xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, tăng 23%. (Ảnh minh họa)

Dù xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành vẫn phải đối mặt với không ít thách thức từ các thị trường nhập khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU.

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nghị định 37/2024/NĐ-CP yêu cầu cá ngừ vằn xuất khẩu phải đạt kích thước tối thiểu 0,5m, điều này khiến doanh nghiệp và ngư dân gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu phù hợp. Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp cũng chịu áp lực lớn từ quy định này, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Tại thị trường Mỹ, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) tiếp tục siết chặt các yêu cầu đối với hải sản nhập khẩu. Các nước xuất khẩu phải chứng minh rằng quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự Mỹ. Gần đây, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) đã đưa ra phán quyết sơ bộ rằng Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn tương đương. Nếu tình hình không cải thiện, từ ngày 1/1/2026, nhiều mặt hàng hải sản của Việt Nam, bao gồm cá ngừ, có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.

Không chỉ vậy, Mỹ còn lên kế hoạch mở rộng Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp nhiều thông tin hơn về sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí tuân thủ, gây áp lực lên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Mỹ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Nếu các quy định từ MMPA và SIMP không được đáp ứng kịp thời, không chỉ kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có thể tác động đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, ngư dân và cơ quan quản lý để ứng phó với những quy định khắt khe

Để thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe, các chuyên gia nhận định, ngành cá ngừ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, ngư dân và cơ quan quản lý. Việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát đánh bắt và hỗ trợ ngư dân đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là chìa khóa giúp ngành cá ngừ vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ghi nhận bước tiến đáng kể với kim ngạch đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất, chiếm hơn 39% tổng giá trị xuất khẩu (XK).

Tuy nhiên, chính sách thương mại từ phía Mỹ, đặc biệt là khả năng áp thuế quan mới của chính quyền Donald Trump, đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK cá ngừ trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam hiện là nguồn cung cá ngừ lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ đứng sau Thái Lan. Trong nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump từng áp thuế NK 10% lên cá ngừ Trung Quốc vào năm 2018, sau đó tăng lên 25% vào năm 2019.

Khi đó, Trung Quốc là một trong năm quốc gia cung cấp cá ngừ hàng đầu cho Mỹ, đặc biệt nắm giữ thị phần lớn ở phân khúc loin cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16) nhờ giá rẻ. Việc tăng thuế đã buộc các nhà NK Mỹ phải tìm kiếm nguồn thay thế có mức giá cạnh tranh hơn, giúp Việt Nam gia tăng XK mạnh mẽ.

Dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 72% so với cách đây 8 năm. Trong đó, thịt/loin cá ngừ đông lạnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong khi cá ngừ chế biến và đóng hộp lại có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là từ nửa cuối năm.

Ở phân khúc cá ngừ đóng hộp, Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn thứ ba cho Mỹ, sau Thái Lan và Mexico. Trong năm qua, NK từ Mexico giảm trong khi NK từ Việt Nam tăng lên đáng kể. Đáng chú ý, với sản phẩm cá ngừ đóng hộp phục vụ ngành dịch vụ thực phẩm như nhà hàng, căng tin, dịch vụ ăn uống…, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn cung lớn nhất của Mỹ.

Đối với phân khúc thịt/loin cá ngừ đông lạnh (mã HS030487), Việt Nam đứng thứ hai, sau Indonesia và trước Thái Lan. Mỹ đang giảm NK từ Thái Lan nhưng lại tăng NK từ Việt Nam và Indonesia, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam.

xuat-khau-ca-ngu-3-1743382655.jpg
Dù xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành vẫn phải đối mặt với không ít thách thức từ các thị trường nhập khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU.(Ảnh minh họa)

Để vượt qua thách thức, tận dụng những cơ hội, chuyên gia nhấn mạnh: “Ngành cá ngừ cần sự đồng hành quyết liệt từ các cơ quan thẩm quyền và nhà quản lý ngành trong việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế”.

Theo đó, đối với ngư dân, phải làm sao để cho họ bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật bao gồm cả IUU, MMPA và SIMP, có động lực để tăng cường khai thác biển, tái đầu tư để vươn khơi xa, ngư dân được khai thác & tiêu thụ nguyên liệu bình thường.

Các giải pháp được đề xuất như rà soát, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi), soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài – đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng & các loài di cư.

Đồng thời có chiến lược xây dựng mô hình các doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển – không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

Còn đối với doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị cần được hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính như là: Tiếp tục rà soát cải thiện quy trình, thủ tục việc cấp giấy S/C, C/C để giải quyết các bất cập phát sinh trong thời gian qua.

Đồng thời đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đăng ký lựa chọn phương án lấy mẫu thẩm tra (theo lô hàng sản xuất hoặc lô hàng xuất khẩu) bằng cách cho doanh nghiệp lựa chọn khi gửi kế hoạch sản xuất kinh doanh (phụ thuộc quy mô nhà máy).../.

Bình Nguyên