Thanh Hóa tiếp tục xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

Tại Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đứng thứ 3 cả nước với 46 điểm.

Theo đó, PAPI là bộ chỉ số đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chương trình nghiên cứu PAPI năm 2022 đã lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi trong phạm vi cả nước (đây là con số kỷ lục kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện năm 2009).

hcc-thanh-hoa-1681720463.jpg
Tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 3 toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022. Ảnh minh họa 

Kết quả xếp hạng Chỉ số PAPI dựa trên 8 nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai trong việc ra quyết định với người dân; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử. Trong 8 chỉ số nội dung được khảo sát từ người dân, Thanh Hóa có nhiều chỉ số nội dung tăng mạnh, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Nổi bật là: Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 5,85 điểm (năm 2021) lên 6,10 điểm năm 2022 (cao nhất cả nước); chỉ số công khai trong việc ra quyết định với người dân đạt 5,97 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Quảng Ninh (6,37 điểm) và Bình Dương (6,20 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,28 điểm (đứng thứ 7 cả nước); thủ tục hành chính công đạt 7,43 điểm (xếp thứ 8 cả nước); cung ứng dịch vụ công đạt 7,94 điểm (xếp thứ 13 cả nước).

Với 11 năm tham gia khảo sát PAPI, tỉnh Thanh Hóa có 2 lần được xếp hạng ở vị trí thứ 3 đó là các năm 2021 với 47,10 điểm, năm 2022 với 46,01 điểm. Năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn đối với người dân ở 24 phố, thôn của 12 phường, xã thuộc 6 địa phương là Cẩm Thủy, Nông Cống, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa.

Các địa phương được lựa chọn phỏng vấn cung cấp danh sách người dân từ 18 tuổi trở lên có mặt trên địa bàn để lựa chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp người dân. Chỉ có người dân mới được biết nội dung phỏng vấn, vì vậy mà kết quả xếp hạng hoàn toàn trung thực và khách quan.

Giai đoạn 2011-2020, chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước (ngoại trừ năm 2018, Thanh Hóa xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố). Một số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... nằm ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liền không cải thiện.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính có những hoạt động tích cực, đáng kể như: Thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính của nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng, đúng hạn các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng phiền hà, sách nhiễu, hách dịch đối với người dân, Thanh Hóa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 14.478 thành viên tham gia nhằm khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số trong việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện, 910 thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 của Thanh Hóa đã được nhập đường link trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được công khai và kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp... Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, năm 2022 toàn tỉnh đã tiếp nhận 345.490 hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (tăng 60.439 hồ sơ so với năm 2021). Nhiều địa phương, đơn vị đã hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính như tin nhắn SMS tự động thông báo kết quả giải quyết hồ sơ; công bố số điện thoại hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu./.

Lê Gia