Khai mạc Hội nghị COP29: Đoàn kết vì một thế giới xanh

Hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc đã khai mạc vào thứ Hai (ngày 11/ 11) với các quốc gia chuẩn bị cho các cuộc đàm phán khó khăn về tài chính và thương mại, sau một năm xảy ra thảm họa thời tiết khiến các nước đang phát triển mạnh dạn hơn trong việc yêu cầu tiền hỗ trợ khí hậu.
z6023048011207-301c7517fd79b6a3f9e7896920fc9792-1731370531.jpg
Chủ tịch COP28 Sultan Al-Jaber trao lại quyền chủ tịch cho Chủ tịch COP 29 Mukhtar Babayev của Azerbaijan.

Với sự tham gia của trên 51.000 đại biểu, hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ, gây sức ép lớn để các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho biết: "Các đồng nghiệp, chúng ta đang trên con đường hủy diệt. Đây không phải là vấn đề của tương lai. Biến đổi khí hậu đã hiện hữu rồi".

"Cho dù có thấy nó hay không, thì vẫn có rất nhiều người đang phải chịu đau khổ trong bóng tối. Họ đang chết trong bóng tối và họ cần nhiều hơn là lòng trắc ẩn, nhiều hơn là lời cầu nguyện và giấy tờ. Họ đang kêu gọi sự lãnh đạo và hành động. COP29 là thời điểm không thể bỏ qua để vạch ra một con đường mới cho tất cả mọi người. Chúng tôi cần nhiều hơn thế nữa từ tất cả các bạn".

"COP29 là thời khắc quyết định đối với Thỏa thuận Paris. Nó sẽ thử thách cam kết của chúng ta đối với hệ thống khí hậu đa phương. Bây giờ chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta đã sẵn sàng để đạt được các mục tiêu đã đặt ra". Chủ tịch COP29 nhấn mạnh.

untitled-1524-1731370531.jpg
Chủ tịch COP 29 Mukhtar Babayev phát biểu tại lễ khai mạc ở Baku, Azerbaijan, ngày 11/11/2024. Ảnh: REUTERS

Tại buổi lễ, ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã kêu gọi các quốc gia hành động ngay, nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, chứ không phải là hoạt động từ thiện.

Ông nhấn mạnh rằng một thỏa thuận tài chính khí hậu đầy tham vọng là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, vì chỉ một quốc gia — một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu — bị ảnh hưởng có thể làm tê liệt cả hệ thống. Ông cảnh báo rằng nhiều quốc gia không thể giảm phát thải hay tăng cường khả năng phục hồi nhanh chóng sẽ khiến "toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bị khuất phục".

Giải pháp cụ thể là nhanh chóng thiết lập thị trường carbon quốc tế bởi đây là công cụ “rất quan trọng”, giúp đẩy nhanh quá trình giảm phát thải toàn cầu. Khi hình thành, thị trường này sẽ thu hút đầu tư vào năng lượng sạch và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon.

Ngoài ra, ông kêu gọi các quốc gia phát huy tối đa khả năng phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời chú trọng khả năng thích ứng của nước mình để có những quyết sách phù hợp.

Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất được ghi nhận trong ngày đầu tiên của COP29 tại Baku, Azerbaijan. Báo cáo Cập nhật Tình hình Khí hậu 2024 của WMO cho thấy từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2024, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,54 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

z6023113924668-7399441fe6874fcf6476ee247af5477c-1731370531.jpg
Khai mạc Hội nghị COP29: Đoàn kết vì một thế giới xanh.

Phát biểu bên lề COP29, Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể được giữ ở mức dưới 1,5 độ C nếu vượt quá mức.

Bà nói thêm rằng việc nâng mục tiêu lên 2 độ C sẽ có tác động "rất lớn" và hậu quả của việc nhiệt độ tăng cao đã có thể nhìn thấy được, bao gồm tốc độ tan chảy của các sông băng và mực nước biển dâng cao, cũng như tình trạng ấm lên của đại dương.

Hành tinh của chúng ta đã nóng lên khoảng 1,3 độ C do việc đốt dầu, than và khí đốt liên tục. Vượt ngưỡng là khái niệm mà thế giới vượt quá mục tiêu 1,5 độ C, theo thỏa thuận trong Thỏa thuận chung Paris, và sau đó lượng lớn carbon dioxide sẽ được loại bỏ để đưa nhiệt độ trung bình của hành tinh xuống dưới 1,5 độ C.

Về phía đoàn Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam cho biết: Khẩu hiệu chính của Hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.

Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung.

Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 – 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C).

Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực -  ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh./.

Đông Nghi