COP29 diễn ra trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những cơn bão, đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, làm chết hơn 570.000 người kể từ năm 2004 đến nay.
Sự kiện bi thảm nhất là hạn hán ở Somalia năm 2011 làm chết hơn 250.000 người, trong khi thảm họa mới nhất có thể kể đến trận lũ quét lịch sử vừa xảy ra ở Tây Ban Nha cuối tháng 10-2024, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), khu vực Bắc bán cầu đã trải qua mùa hè năm 2024 nắng nóng kỷ lục và 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Tại Thụy Sỹ, Mạng lưới giám sát sông băng (GLAMOS) cảnh báo, tốc độ tan băng tại các dòng sông trên dãy Alps huyền thoại đang ở mức rất cao.
Tổ chức này thậm chí cho rằng, nếu không sớm có biện pháp quyết liệt nhằm đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu, tới năm 2100, 80% sông băng thuộc dãy núi dài nhất châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn.
COP29 bắt đầu từ hôm nay (11/11) và dự kiến kéo dài đến ngày 22/11 tới tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Nhiệm vụ trọng tâm của COP29 là đạt được đồng thuận về mức cam kết hỗ trợ tài chính hằng năm mà các nước phát triển cung cấp để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Đây vốn là vấn đề gây nhiều tranh cãi do mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên liên quan. Bởi vậy, dù đã bàn thảo tại nhiều hội nghị lớn, nhỏ về khí hậu, song các bên vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề này.
Trước thềm COP29, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres quan ngại rằng, nhân loại đang "thiêu đốt" hành tinh khiến thế giới phải đối mặt hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi mà nhiệm vụ ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, ông Guterres cho rằng, các nhà lãnh đạo tới Baku không nên trì hoãn mà hãy cùng thúc đẩy thực hiện mục tiêu chung. Cùng với mục tiêu tài chính, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia đưa ra những kế hoạch hành động mới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC, đồng thời giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), COP29 hứa hẹn là cơ hội quan trọng để tăng cường liên kết giữa thương mại, đầu tư và hành động chống biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Một trong những điểm nổi bật của sự kiện là Ngày Tài chính, Đầu tư và Thương mại khí hậu (FIT) vào ngày 14/11 tớ, với các cuộc thảo luận về cách thương mại và đầu tư có thể hỗ trợ các dòng tài chính khí hậu và giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng.
Người tham gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về vai trò của chính sách thương mại trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, các sự kiện cấp cao khác sẽ tập trung vào các vấn đề như sàn giao dịch chứng khoán bền vững, nỗ lực khử carbon trong ngành thép và hydro, và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là từ các nền kinh tế đang phát triển, vào chuỗi giá trị carbon thấp.
Năm nay, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29 có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam cho biết: Khẩu hiệu chính của Hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.
Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung. Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 – 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C). Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.
Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Đến với Hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay, chênh lệnh đang quá lớn./.