
Dự án trọng điểm quốc gia
Tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 58,2 km qua địa phận Hà Nội; còn lại là 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Theo dự thảo Đề án, diện tích quỹ đất dự kiến khai thác là quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn 8 quận, huyện có diện tích khoảng 18.450ha (Sóc Sơn 724 ha; Mê Linh 2.441ha; Đan Phượng 2.094ha; Hoài Đức 3.345ha; Hà Đông 775ha; Thanh Oai 2.562ha; Thanh Trì 533ha; Thường Tín 5.976ha) với 40 khu đất; trong đó diện tích có thể khai thác khoảng 8.725,5ha.
Hình thức khai thác đề xuất bao gồm: Đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; thực hiện hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đề xuất dự án đầu tư... Trên cơ sở kết quả rà soát quỹ đất, dự kiến nguồn thu giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 140.000 tỷ đồng (đã khấu trừ kinh phí giải phóng mặt bằng).
Mới đây (ngày 3/4), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trình bày tóm tắt các dự thảo Đề án, Tờ trình của UBND Thành phố và Nghị quyết của HĐND Thành phố về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, mục tiêu của Đề án là nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực là quỹ đất phụ cận hai bên đường Vành đai 4, nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ việc khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP. Hà Nội.
Đồng thời, tạo nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, nhất là hạ tầng giao thông; đề xuất giải pháp quản lý, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Thành phố giai đoạn 2026 - 2030.
Tại Hội nghị, đa số đại biểu cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP. Hà Nội nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 5/5/2023 của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Bên cạnh đó, về cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, Đề án đã nghiên cứu khá cụ thể quy hoạch sử dụng đất bền vững và nghiên cứu dựa trên tiềm năng đất đai, nguồn lực của Thành phố, nhằm quản lý và sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt, về cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm cho thấy nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển hạ tầng. Thực tiễn tại Hà Nội, Thành phố đã tiến hành rà soát và đề ra những giải pháp về chính sách, quy hoạch, phát triển quỹ đất và nguồn vốn ngân sách để khai thác, sử dụng đất nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình và dự thảo Đề án cho thấy, Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội mà cả các địa phương lân cận. Dự kiến khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra nhiều động lực và không gian phát triển mới cho cả Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.

Theo các chuyên gia, việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên Vùng Thủ đô. Tác động dự án đường Vành đai 4 không chỉ kết nối ở trong TP. Hà Nội mà còn kết nối các tỉnh trong Vùng Thủ đô.
Cần thực hiện minh bạch công bằng và có sự giám sát chặt chẽ
Góp ý vào dự thảo, Ths Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP. Hà Nội cho rằng, Đề án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, an sinh của người dân nên cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, toàn diện và khoa học. Đặc biệt, cần xem xét tác động của đề án đối với môi trường và quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, cần xác định rõ quỹ đất này theo vùng như nào và việc thực hiện quỹ đất phải dựa trên các quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn liên quan.
“Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông nhưng cần thực hiện minh bạch công bằng và có sự giám sát chặt chẽ. Cạnh đó, cần xây dựng chính sách khai thác quỹ đất rõ ràng minh bạch có sự tham gia của cộng đồng. Ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt về tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, cần thành lập hội đồng giám sát độc lập để theo dõi quá trình triển khai đề án”, ông Hải kiến nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo có sự rà soát kỹ lưỡng hơn trong các dự thảo, cập nhật số liệu, dữ liệu và thông tin mới…, để tiếp cận thực tiễn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trước hết là cần cập nhật cơ sở phát lý quan trọng của Nghị quyết là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 có hiệu lực từ 1/3/2025; cập nhật những cơ chế, quy định mới khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong các dự thảo nêu việc phân công phân cấp đề xuất theo cơ cấu tổ chức hiện hành (quận, huyện…), song thực tế đang thực hiện theo Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về “triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, nên cần có đề xuất linh hoạt hơn trong báo cáo tổng kết Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó đã có yêu cầu rà soát lại chương trình phát triển đô thị, điều chỉnh cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, làm rõ mối quan hệ các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh và cấp xã, mối quan hệ với các bộ đã có cơ cấu tổ chức lại).

Đối với nội dung Đề án, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định về thời gian thực hiện còn nêu chung chung và sơ sài, cần đề nghị cụ thể hóa các bước thực hiện với trọng tâm là quy hoạch chi tiết đi trước, tiếp đó là kế hoạch khai thác, chương trình phát triển… có xác định thời gian hoàn thành từng dự án. Về giải pháp thực hiện, công tác lập quy hoạch chi tiết cần kết nối cả phía Đông và phía Tây Vành đai 4, để thực hiện cần có sự quyết liệt và chỉ đạo của Thành phố khi phê duyệt quy hoạch đồng bộ với quy chế quản lý.