COP16 kêu gọi các nước hành động nhanh chóng chống tình trạng suy giảm đa dạng sinh học

COP16 là hoạt động thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về các vấn đề môi trường. Sự kiện này thu hút sự tham gia kỷ lục với 23.000 đại biểu đã đăng ký, khoảng 1.200 nhà báo cùng hàng nghìn nhà hoạt động môi trường với chủ “Hòa bình với thiên nhiên” nhằm kêu gọi những hành động mạnh mẽ chống tình trạng suy giảm đa dạng sinh học.
hoi-nghi-cop-16-2-1730446321.jpg
COP16 đã thu hút sự tham gia kỷ lục với 23.000 đại biểu đã đăng ký, khoảng 1.200 nhà báo cùng hàng nghìn nhà hoạt động môi trường.

Chống tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ngang hàng với chống biến đổi khí hậu

Diễn ra từ ngày 21/10 - 1/11/2024 tại thành phố Cali của Colombia, COP16, với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên” nhằm kêu gọi các nước hành động nhanh chóng và hỗ trợ tài chính nhằm đảo ngược sự tàn phá nghiêm trọng mà con người gây ra đối với đa dạng sinh học.

Theo Ban tổ chức, COP16 đã thu hút sự tham gia kỷ lục với 23.000 đại biểu đã đăng ký, khoảng 1.200 nhà báo cùng hàng nghìn nhà hoạt động môi trường.

Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) đang diễn ra ở thành phố Cali, thông báo các nước thành viên đã nhất trí đặt vấn đề chống tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ngang hàng với tầm quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Muhamad cho rằng hội nghị đã đạt được mục tiêu ban đầu là nâng tầm vấn đề đa dạng sinh học và đặt điều này ngang hàng với vấn đề khí hậu.

Bà cũng kêu gọi sự ủng hộ đối với Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF), dành riêng để hỗ trợ đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu và giúp mở rộng quy mô tài chính. Điều này tạo thuận lợi cho việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), được thông qua tại COP15 diễn ra ở Canada năm 2022.

hoi-nghi-cop-16-1-1730446352.jpg
Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad. (Nguồn: UN)

GBF đưa ra lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. Nội dung chính của GBF đặt ra 23 mục tiêu, nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, trong đó có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030, ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra.

Cùng ngày, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông báo cho biết 7 nước gồm Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, New Zealand, Na Uy, Anh và chính quyền tỉnh Quebec của Canada đã cam kết tài trợ 163 triệu USD để tăng cường năng lực tài chính cho GBFF, nâng tổng số tiền đã cam kết cho quỹ lên khoảng 400 triệu USD.

Cần tiếng nói đồng thuận về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa

Vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự chính là giải quyết ô nhiễm, trong đó rác thải nhựa được xem là một trong những tác nhân chính gây mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái. Tuy nhiên, các ý kiến tham luận tại COP-16 vẫn thể hiện những quan điểm khác biệt đối với nhiều vấn đề.

Một tài liệu được lưu hành trong các cuộc thảo luận tại COP-16 không có đề xuất nào về việc hạn chế sản xuất nhựa, điều mà nhiều quốc gia xem là quan trọng để tiến tới đạt được thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề chuyển đổi sinh thái của Pháp, bà Agnes Pannier-Runacher, nếu không nâng cao các mục tiêu trong tài liệu này, các nước sẽ khó có thể đạt được sự đồng thuận. Bà nhấn mạnh rằng việc thu gom và tái chế rác thải là chưa đủ nếu không giảm mức độ sản xuất và sử dụng các sản phẩm mới.

Trong khi đó theo một nguồn tin tại chỗ, các điều khoản trong tài liệu hiện nay chưa đủ mạnh. Nội dung các tài liệu không đề cập cụ thể về vấn đề cắt giảm sản xuất nhựa vốn là vấn đề còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các nước.

hoi-nghi-cop-16-3-1730446406.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam do Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài dẫn đầu tại các sự kiện COP - 16 (Ảnh: NBCA)

Trước thực tế này các nhà tổ chức hội nghị đã phải lên tiếng kêu gọi các bên nhượng bộ. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi các bên tham gia tận dụng những thời khắc cuối cùng của hội nghị nhằm đạt một thỏa thuận.

“Quả bóng hiện đang ở trong tay các quốc gia thành viên để đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng, đáng tin cậy và công bằng. Một thỏa thuận giải quyết vòng đời của nhựa – giải quyết vấn đề nhựa dùng một lần và nhựa có tuổi thọ ngắn; Một thỏa thuận đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng, đồng thời mở ra quá trình chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người – bao gồm 20 triệu người nhặt rác trên toàn thế giới. Tôi kêu gọi các bạn hãy hành động vì sức khỏe, công bằng và công lý của con người. Hãy hành động vì tương lai của con người và hành tinh. Một thỏa thuận đầy tham vọng là cách duy nhất để chấm dứt ô nhiễm nhựa”, Tổng thư ký Guterres nói.

Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Colombia Gustavo Petro nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn mọi người tham gia COP-16 hãy vì thế giới mà đưa ra quyết định cho một cuộc cách mạng toàn cầu. Chúng ta cần một thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Và đây chính là điều chúng ta thực sự cần”.

Trong ngày họp cuối cùng trước khi kết thúc COP-16, các nhà đàm phán cần thu hẹp sự khác biệt trong quan điểm về các vấn bao gồm việc có nên cấm các sản phẩm nhựa nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người hay không và cách tài trợ cho việc thực hiện thỏa thuận toàn cầu về về chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Nếu các nhà đàm phán đạt được sự nhất trí thì tài liệu nói trên sẽ được lấy làm cơ sở cho các phiên họp thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tại Hàn Quốc.

Việt Nam thể hiện tai trò tích cực tại COP16

Tại sự kiện COP-16, phái đoàn của Việt Nam, với đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đại biểu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao, đã tham gia tích cực trong các cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng của COP16 về thực hiện KMGBF, tài chính cho đa dạng sinh học, mối quan hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, cũng như tầm nhìn “Hòa bình với thiên nhiên”.

Đoàn Việt Nam do Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài dẫn đầu đã tham gia thảo luận về việc thiết lập các cơ chế tài chính bền vững để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam, trong các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học.

hoi-nghi-cop-16-5-1730446308.jpg
Việt Nam đang nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học song song với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu của KMGBF, hài hòa các nỗ lực bảo tồn trong nước với các mục tiêu toàn cầu. Qua việc thúc đẩy các kế hoạch hành động bảo tồn và hợp tác cùng các đối tác quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học song song với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Với sự tiếp tục của COP16, thế giới đang hướng về Colombia, nơi các nhà lãnh đạo, các bên liên quan và các tổ chức bảo tồn hy vọng đạt được các cam kết mang tính đột phá cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Hội nghị lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc liên kết các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mở ra cam kết chung tay phục hồi hệ sinh thái và xây dựng một tương lai bền vững, hài hòa với thiên nhiên./.

Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố ngày 9/10 cho thấy quần thể các loài động vật hoang dã thuộc động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm hơn 70% trong vòng nửa thế kỷ qua.

Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài, phản ánh tình trạng suy giảm đa dạng sinh học diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng thấy.

Giám đốc cấp cao về chính sách toàn cầu của WWF Lin Li nhấn mạnh: “Những con số này cho thấy hệ sinh thái của hành tinh đang gặp nguy hiểm. Nếu không giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học này, hệ sinh thái của chúng ta sẽ đi đến điểm tới hạn và vĩnh viễn không thể quay lại được”.

Trọng Bình (Tổng hợp)