Kênh hiệu quả giúp nông sản có thị trường ổn định

Vào những ngày cuối năm 2021, thực trạng nông sản Việt; trong đó, có trái cây của tỉnh Tiền Giang bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc gây thiệt hại lớn cho thấy sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh nói chung thiếu sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nông sản ra thị trường. Vì vậy, việc sớm có sàn giao dịch nông sản để nâng tầm giá trị nông sản của khu vực là cấp thiết.

Tại hội thảo phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2021 diễn ra vào ngày 17/12 vừa qua, ý tưởng này đã được nêu ra và nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo nhiều địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như mít, chuối, thanh long hiện nay đang vào mùa thu hoạch rộ nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn khiến giá một số nông sản như sụt giảm và việc tiêu thụ của nông dân cũng không được suôn sẻ, thuận lợi. Do đó việc sớm có sàn giao dịch nông sản là đòn bẩy cho việc tiêu thụ trái cây nói riêng và nông sản nói chung cũng như để giúp nâng tầm giá trị nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tiền Giang hiện có trên 82.700 ha vườn trồng cây ăn trái; trong đó, có gần 63.000 ha đang cho trái. Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng trên 1.593.000 tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 12/2021 khoảng 121.000 tấn trái cây các loại.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, thành viên của Hợp tác xã Thiên Phúc tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: Vùng trồng thanh long của hợp tác xã hiện có khoảng 150 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm thanh long của hợp tác xã đã đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, hợp tác xã cũng đang thực hiện các thủ tục, giấy phép, mã vùng trồng để đưa trái thanh long xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu; đồng thời tham gia 3 sàn thương mại điện tử để tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ.

Kết quả thực tế cho thấy, việc tham gia sàn thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp là quảng cáo thông tin và tiếp thị toàn cầu với chi phí cực thấp; dịch vụ tốt hơn cho khách hàng; tăng doanh thu; giảm chi phí hoạt động; tăng lợi thế cạnh tranh.

Với rất nhiều tính năng nổi trội  như yêu cầu báo giá, quảng cáo từ khóa, tiếp thị thông minh và nhiều công cụ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng trưng bày sản phẩm hiệu quả, nhanh chóng tiếp cận được lượng khách hàng tiềm năng cao và tối ưu hóa chi phí cho hoạt động quảng cáo của mình, giúp cho việc kinh doanh dễ dàng hơn.

Do đó, việc thành lập sàn giao dịch nông sản Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp nông sản của Tiền Giang nói riêng và của khu vực nói chung có thị trường ổn định tiêu thụ ổn định, không bị rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như tình trạng bị ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc như những ngày qua.

Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho hay: Trước tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho kể cả các hợp tác xã thương mại ngoài cụm công nghiệp đã có bước chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đối với Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã này chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến thương mại trái cây nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp giảm xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro…

Đặc biệt, về lâu dài Sở Công Thương khuyến khích, tạo điều điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch nông sản điện tử để tìm cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm xuất khẩu. Trong tương lai, nếu sản giao dịch nông sản Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập thì đây sẽ là nền tảng quan trọng trong việc giúp cho hàng nông sản của Tiền Giang cũng như khu vực có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu, tìm ra nhiều thị trường đa dạng và tiềm năng.

Theo thống kê của Sở Công Thương trong năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu được 12.411 tấn rau quả, thu về 26,63 triệu USD, tăng 3,7% về trị giá so với năm trước. Thị trường xuất khẩu đa dạng, nhiều nhất là thị trường EU chiếm 42,19%, Hàn Quốc chiếm 15,43%, Nhật Bản chiếm 14,95%, Hoa Kỳ chiếm 7,65%, Trung Quốc chiếm 2,14%./.