Hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho nông sản Đắk Nông

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng hàng nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc và tập trung chủ yếu hoa quả tươi như mít, sầu riêng, xoài dưa hấu…

Mặc dù không có nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu phía Bắc tại thời điểm này nhưng để giúp cho nông sản Đắk Nông tiêu thụ ổn định, làm mất hoặc giảm giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Từ đó, từng bước tổ chức sản xuất các chứng nhận truy suất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn Đắk Nông, là một tỉnh nông nghiệp với nhiều lại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu và nhiều loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bơ, mít… Các mặt hàng trái cây của Đắk Nông có nhiều thời điểm xuất khẩu sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc nhưng rất may trong thời gian này tại các cửa khẩu không có các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông.

Ở thời điểm hiện tại, Đắk Nông chỉ còn sản phẩm cà phê đang thu hoạch, chuẩn bị kết thúc mùa thu hoạch. Phần lớn các sản phẩm cà phê của Đắk Nông tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu qua các công ty lớn như Olam, Intimex… Do vậy, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không xuất tại các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc.

ca-phe-viet-thach-thuc-phat-trien-thi-truong-xuat-khau-1640943873.jpeg
Người dân thu hoạch cà phê. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, về lâu dài,  Đắk Nông kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương đầu tư công nghệ chế biến qua đó hình thành chuỗi giá trị từ các hộ dân, doanh nghiệp hợp tác xã chế biến sâu và xuất khẩu. Làm được điều này sẽ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của người nông dân và tránh tình trạng xuất các mặt hàng qua đường tiểu ngạch dẫn đến những trường hợp không thông quan được do thiếu các tiêu chuẩn…

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát tại Đắk Nông để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là các loại cây ăn trái. Đã có 1 doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Bình nhận thấy tiềm năng của tỉnh qua khảo sát thị trường và xây dựng vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp này sẽ xây dựng tại Đắk Nông nhà máy và tập trung chế biến sâu nhiều mặt hàng như: xoài, chanh dây, dứa, ngô và rau xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, giống, sản xuất và bao tiêu hết sản phẩm của người nông dân. Tỉnh kỳ vọng sau khi nhà máy này đi vào sản xuất thì vấn đề nông sản bán với giá rẻ hoặc xuất đi Trung Quốc qua đường biên giới sẽ không còn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã kêu gọi nhiều đối tượng đầu tư vào Đắk Nông trong việc tiêu thụ và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh cũng đã làm việc với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kết nối với đại sứ quán nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài FDI để lên đầu tư vào khâu chế biến tiêu thụ nông sản. Dự kiến trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh sẽ xây dựng các chuỗi ngành hàng; trong đó, tập trung cho các ngành rau củ quả, khoai lang cam quýt, lúa Buôn Choáh…

Đắk Nông là tỉnh nông nghiệp, các sản phẩm chủ yếu là cà phê, hồ tiêu. Ngoài ra, địa phương còn có 16.000 ha trồng cây ăn trái các loại, đây là những loại nông sản mang lại nguồn thu nhập cao. Trong những năm qua, tuy cây ăn trái đã làm cho nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo nhưng người dân Đắk Nông vẫn lo lắng vì đầu ra sản phẩm.

Việc ngành nông nghiệp của tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu tại địa phương, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông. Để nông nghiệp Đắk Nông vươn xa hơn đến nhiều thị trường trên thế giới./.