Huyện Đông Anh đi đầu trong chương trình sản phẩm OCOP

Là huyện đầu tiên của Thủ đô tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện nhưng Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức.
a1-2-1657627069.jpg
Trang trại rau hữu cơ của Công ty cổ phần rau An toàn Hải Anh.

Trong năm 2022, ngân sách huyện tiếp tục phân bổ 3 tỷ đồng để thực hiện đề án. Trong đó, tập trung hỗ trợ chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP.

Theo đó, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Đông Anh đã có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ. Chương trình OCOP của huyện Đông Anh thu hút sự tham gia của 40 chủ thể, trong đó có 17 hợp tác xã, 11 hộ kinh doanh và 12 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Công ty CP Rau an toàn Hải Anh (xã Vân Nội ), một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh. Đến nay, Công ty đã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP gồm: Cà chua, dưa chuột và cải bó xôi.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của huyện, mới đây 3 sản phẩm đã được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Điều này rất có ý nghĩa trong việc đưa sản phẩm tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về loại thực phẩm này hiện rất lớn. Hiện, hàng chục sản phẩm khác của đơn vị đang được UBND huyện Đông Anh thông qua Phòng Kinh tế, tư vấn hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022.

Mặc dù, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19, trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán ra thị trường từ 5-6 tạ rau củ các loại. Còn hiện nay, đơn vị cung ứng thường xuyên trên 1 tấn rau củ quả các loại/ngày. Giá các loại rau củ dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, Công ty Hải Anh còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trên cơ sở Đề án "Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025", UBND huyện đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, trình HĐND huyện thông qua. Hai năm 2020 - 2021, huyện đã bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung của đề án, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

“Việc tổ chức phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP sẽ tạo động lực và là cơ sở để các chủ thể tham gia được khảo sát, đánh giá thực chất sản phẩm đã đạt được đầy đủ tiêu chí hay chưa… Đồng thời là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trước cơ quan chức năng, truyền thông và đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Hà cho hay.

Thực tế cho thấy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của đã tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình. Sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã được người tiêu dùng đón nhận.

Trong thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã được UBND TP công nhận từ 3 sao trở lên. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài Thành phố.

Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn và các xã, thị trấn triển khai Chương trình, Đề án OCOP tới các chủ thể. Dự kiến trong giai đoạn 2020- 2025 sẽ có khoảng 150 sản phẩm được lựa chọn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 56 sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm chủ lực của huyện.

Đồng thời huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình, đề án OCOP huyện Đông Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút nhiều chủ thể tham gia và quảng bá đến người tiêu dùng.