Chương trình OCOP: Nâng tầm nông sản địa phương

Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã giúp nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
2-10-1655891523.jpg
Người dân mua hàng ở tuần lễ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP năm 2021 tại Trung tâm thương mại Vincom (thành phố Lạng Sơn)

Ngày 13/8/2019, UBND tỉnh phê duyệt đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ tư vấn giúp việc nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình.

Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai chương trình OCOP được UBND tỉnh trú trọng, trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trực tiếp phối hợp với các đơn vị triển khai. Từ năm 2019 đến nay, sở đã tổ chức 30 hội nghị tập huấn triển khai Chương trình OCOP với 1.810 lượt người tham dự. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nắm được kiến thức cơ bản của chương trình để tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể và cộng đồng dân cư thực hiện.

Song song với đó, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP cũng được Sở NN&PTNT phối hợp đẩy mạnh. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, sở đã tổ chức lồng ghép được 85 hội nghị tuyên truyền cho 5.090 lượt người, cấp phát 5.090 bộ tài liệu về chương trình. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP được nâng cao, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong Nhân dân và cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình. Từ năm 2018 đến 2020, tổng nguồn lực huy động đạt trên 8,6 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 8,5 tỷ đồng, vốn của các chủ thể tham gia chương trình 110 triệu đồng), riêng trong năm 2021 là trên 2,2 tỷ đồng để hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai chương trình. Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đình Lập cho biết: Hiện, toàn huyện có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Sau khi được “gắn sao”, giá trị các sản phẩm được nâng lên nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở ở cả trong nước và nước ngoài. Cụ thể như: chè Ô Long, chè Bát Tiên của Công ty Cổ phần chè Thái Bình đạt OCOP 4 sao năm 2019, hiện nay, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang Đài Loan, Nga, Trung Quốc, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 15 tỷ đồng. Hơn nữa, các sản phẩm OCOP huyện được đầu tư bao bì, nhãn mác nên được mọi người ưa thích lựa chọn làm quà tặng.

Sau hơn 2 năm triển khai, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã đánh giá, phân hạng được 30 sản phẩm OCOP (vượt chỉ tiêu đề ra của đề án Chương trình OCOP là hết năm 2020, toàn tỉnh tiêu chuẩn hoá ít nhất 15 sản phẩm OCOP trở lên). Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng 31 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 61 sản phẩm OCOP (trong đó, có 17 sản phẩm 4 sao, 44 sản phẩm 3 sao).

Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Qua thực hiện chương trình đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp. Giá trị của sản phẩm OCOP đã được nâng lên nhờ có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo do các sản phẩm đều được sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) và tuân thủ an toàn vệ sinh trong khâu chế biến… từ đó, tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, nếu như trước đây, các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và một số tỉnh lân cận thì sau khi được “gắn sao”, sản phẩm đã mở rộng thị trường có mặt trong hệ thống siêu thị lớn (Big C, Vinmart…), tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, đưa các sản phẩm này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bà Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) cho biết: Đầu năm 2020, tôi đăng ký sản phẩm thạch đen tham gia chương trình OCOP. Đến tháng 10/2020, sản phẩm của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, lượng thạch bán ra thị trường tăng, giá cả ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao. Trước đây, mỗi ngày, cơ sở chỉ sản xuất 80 kg thạch thành phẩm, thì khi có chứng nhận OCOP, đơn đặt hàng tăng lên, trung bình một ngày, cơ sở sản xuất và tiêu thụ 200 kg thạch, giá trị đạt 6 triệu đồng/ngày (tăng 4 triệu đồng/ngày so với trước đây).

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên giá trị bền vững. Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh tiêu chuẩn hóa trên 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn./.