Chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thuận lợi khơi thông dòng vốn FDI kỳ vọng vượt mức 30 tỷ USD năm 2025

Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm… Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn vốn FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tạo môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-2-1743493319.jpg
Những tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD, tăng ấn tượng 35,5% so với cùng kỳ.(Ảnh minh họa)

Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ấn tượng đạt hơn 7 tỷ USD

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, những tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD, tăng ấn tượng 35,5% so với cùng kỳ. Điều này không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế bền vững mà còn tạo “bàn đạp” cho Việt Nam trở thành công xưởng công nghệ cao của khu vực, kéo theo đó là sự phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh.

Theo dự báo từ các chuyên gia, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…. FDI giải ngân trong năm 2025 có khả năng vượt 30 tỷ USD.

Hiện Việt Nam nằm trong 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới (R&D) về AI hàng đầu châu Á.

“Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể, trong việc chuẩn bị để sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản của các dự án đầu tư nước ngoài như đất đai, năng lượng nguồn nhân lực luôn sẵn sàng. Riêng nguồn nhân lực, Việt Nam hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư, cũng như người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Việt Nam cũng tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại. Đây sẽ là tiền đề cơ bản để Việt Nam tham gia vào các chuỗi kinh tế và sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương nhận định.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-3-1743493305.jpg
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong năm nay.(Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Nội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong năm nay. Từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô sửa đổi chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

“Thành phố Hà Nội đã xây dựng trong Luật Thủ đô một số cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư. Ví dụ như cơ chế liên quan đến miễn tiền sử dụng đất, miễn, giảm các loại thuế liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ đến các ngành nghề, lĩnh vực mà Hà Nội đang quan tâm, chẳng hạn như sản xuất chip bán dẫn, sản xuất chip có tích hợp công nghệ AI; đối với thu hút đầu tư vào nông nghiệp sạch và các dự án để cải thiện môi trường”, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà nội cho biết.

Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển cũng thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp. Giai đoạn từ năm 2024 - 2027, Việt Nam dự kiến có khoảng 15.200 ha nguồn cung đất công nghiệp, hơn 6 triệu m2 tổng nguồn cung kho xưởng. Đà tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ nối dài, trong đó lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông thuận tiện.

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn vốn FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tạo môi trường thuân thiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại tỉnh Sơn La, đang có 7 dự án FDI ngoài khu công nghiệp đang hoạt động, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 153,6 triệu USD thuộc các lĩnh vực đầu tư gồm: sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản. Các dự án đều kinh doanh tương đối ổn định và đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Sơn La là một trong những địa phương có vị trí quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với trung du Bắc Bộ; có diện tích tự nhiên 14.000 km², là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch. Công tác hỗ trợ và thu hút đầu tư được địa phương quan tâm triển khai với nhiều giải pháp.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-1-1743493389.jpg
Tỉnh Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên cao nguyên Mộc Châu.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách; tạo niềm tin cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng hành cùng với Sơn La phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và thông minh; và sẽ tiến thêm một bước nữa đó là tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch canh nông...

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Sơn La thành Trung tâm chế biến nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như hoa quả, cà phê, tinh bột sắn, chè, sữa… Đồng thời, triển khai xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao và nghiên cứu lộ trình thành lập Trung tâm quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu.

Bên cạnh đó, Sơn La sẽ xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2030, làm cơ sở thực hiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tập trung rà soát phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và có phương án, lộ trình để triển khai cho từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định.

Hiện tại, HĐND tỉnh Sơn La đã phê duyệt danh mục khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gồm 6 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và vừa. Đồng thời, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, cải tạo hạ tầng, gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư tiềm năng, trong năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành Nhà máy chè Mộc Châu, công suất 125 tấn chè tươi/ngày và trang trại chăn nuôi 4.000 con bò sữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đón làn sóng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, loạt các "ông lớn" bất động sản khu công nghiệp chạy đua mở rộng quỹ đất, xây dựng loạt các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp thông minh kết hợp đô thị sinh thái. Một số doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực Bất động sản khu công nghiệp như SIP, Kinh Bắc, IDICO…cũng đang tích cực mở rộng quỹ đất và triển khai các khu công nghiệp.

Bước sang năm 2025, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều điểm sáng nhờ những yếu tố hỗ trợ từ chính sách và thị trường. Các chuyên gia nhận định, doanh số bán hàng của các chủ đầu tư sẽ gia tăng mạnh khi nguồn cung và nhu cầu đất công nghiệp mới đều tăng lên.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-4-1743493425.jpg
Đón làn sóng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, loạt các "ông lớn" bất động sản khu công nghiệp chạy đua mở rộng quỹ đất, xây dựng loạt các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp thông minh kết hợp đô thị sinh thái. (Ảnh minh họa)

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, số liệu thống kê 2 tháng đầu năm nay cho thấy, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, kéo theo mức cam kết và giải ngân có mức chuyển biến tích cực. Điều này có hai câu chuyện đằng sau. Đó là trong bối cảnh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh phức tạp, đối đầu địa chính trị, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà nổi bật là lĩnh vực công nghệ. Việc này gắn liền với cuộc cải cách của Việt Nam, việc duy trì vị thế của Việt Nam, tính ổn định kinh tế, phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy kinh tế Việt Nam. Trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đang dẫn đầu với 679,8 triệu USD, chiếm 31% tổng vốn đăng ký mới. Tiếp theo là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này cho thấy Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư trên toàn cầu./.

Bình Châu