Tỉnh Tiền Giang quy hoạch 20.787ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp kiến tạo phát triển nông nghiệp bền vững

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp" được triển khai hiệu quả tại tiền Giang. Từ những mô hình trình diễn đã đáp ứng các tiêu chí giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm phát thải. Đó là cơ sở để tỉnh Tiền Giang quyết định phê duyệt vùng trồng lúa năng suất chất lượng cao là 20.787ha.
trong-lua-chat-luong-cao-tien-giang-1-1743253900.jpg
UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành quyết định 660 phê duyệt vùng trồng lúa năng suất chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Hiện tỉnh có hơn 54.000 ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 130.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 800.000 tấn.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp" với diện tích 29.500 ha, tại 07 địa phương gồm: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, thị xã Cai Lậy và thành phố Gò Công.

Trong vụ Đông Xuân 2024-2025, tỉnh Tiền Giang triển khai “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải, ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân” tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Trung (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông), với 20ha của 16 hộ tham gia trình diễn và 1ha/1 hộ đối chứng; 1 mô hình tại Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), với 11ha của 18 hộ tham gia trình diễn và 1ha/1 hộ đối chứng; 1 mô hình “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải” tại Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè), với 20ha của 14 hộ tham gia và 1ha/hộ đối chứng.

Sau khi kết thúc vụ mùa, ngành chức năng và nông dân đã ngồi lại với nhau và cùng so sánh: Chi phí sản xuất trung bình của 3 mô hình trình diễn khoảng 18,4 triệu đồng/ha, thấp hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình gần 3,5 triệu đồng/ha. Tổng thu trong mô hình trên 47,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 29,1 triệu đồng/ha. Lợi nhuận tăng thêm của mô hình so với trồng lúa bên ngoài mô hình gần 5,6 triệu đồng/ha.

Từ hiệu quả của các mô hình, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành quyết định 660 phê duyệt vùng trồng lúa năng suất chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng trồng lúa năng suất chất lượng cao là 20.787ha. Tùy theo từng địa bàn mà diện tích trồng lúa chất lượng cao được quy hoạch với diện tích khác nhau, thậm chí có địa phương không quy hoạch trồng lúa chất lượng cao.

Cụ thể, tại huyện Cái Bè chỉ có 580 ha lúa năng suất, chất lượng, huyện Cai Lậy có 4.557 ha, huyện Châu Thành 295 ha, huyện Tân Phước 5.575 ha… Riêng 3 đơn vị là thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện cù lao Tân Phú Đông do diện tích lúa ngày càng thu hẹp và xóa dần nên không có quy hoạch vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập Tổ đề xuất dự án tham gia Đề án và đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, đề xuất danh mục đầu tư "Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho sản xuất lúa các bon thấp vùng ĐBSCL, vay vốn WB, tỉnh Tiền Giang" trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ.

Tổng nguồn vốn đề xuất cho toàn Dự án là hơn 481 tỷ đồng; trong đó, vốn vay WB là hơn 331 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 90 tỷ đồng để sử dụng đầu tư xây dựng, phát triển, chuyển giao công nghệ và nguồn vốn khác hơn 59 tỷ đồng.

trong-lua-chat-luong-cao-tien-giang-3-1743254007.jpg
Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Dự án thực hiện tại tỉnh gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi lúa gạo chất lượng cao các bon thấp. Tỉnh Tiền Giang đã đề xuất đầu tư hợp phần này với tổng kinh phí hơn 397 tỷ đồng gồm: Đầu tư hệ thống tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước và sử dụng nước, gắn với đầu tư 3 hệ thống năng lượng Mặt trời tại các trạm bơm điện; cải thiện hệ thống giao thông.

Hợp phần 2 là phát triển và chuyển giao công nghệ, ước tính mức đầu tư hơn 74 tỷ đồng, trong đó, 14,16 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 59,645 tỷ đồng từ nguồn vốn khác (doanh nghiệp, vốn hỗ trợ khác). Hợp phần 3 là quản lý dự án với kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2024, đã có 7/7 địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án.

Ngành Nông nghiệp tỉnh/huyện đều có kế hoạch cụ thể, chủ động đề xuất nguồn kinh phí cho các hoạt động của Đề án năm 2025. Đồng thời, đã phổ biến "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; nâng cao năng lực hợp tác xã; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo...

trong-lua-chat-luong-cao-tien-giang-2-1743253887.jpg
Thực hiện canh tác bền vững, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo yêu cầu Đề án, tỉnh Tiền Giang tổ chức lại sản xuất đảm bảo 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... (Ảnh minh họa)

Song song đó, tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn TOT hướng dẫn "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" cho 62 cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện. Các huyện, thị, thành đã phổ biến quy trình này đến các hợp tác xã/tổ hợp tác, nông dân trong vùng Đề án...

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện 2 mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải trong vụ Hè thu năm 2024 tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông và tiếp tục nhân rộng các vụ tiếp theo. Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và Cục Trồng trọt - Bộ NN&MT để thực hiện 2 mô hình/40 ha tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông.

Qua giai đoạn đầu thực hiện Đề án, tỉnh nhận thấy rằng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao là một hướng đi tất yếu, cần thiết cho tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường.

Thực hiện canh tác bền vững, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo yêu cầu Đề án, tỉnh Tiền Giang tổ chức lại sản xuất đảm bảo 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; trên 50% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, trên 70% rơm rạ được tái sử dụng; giảm phát thải khí nhà kính cao hơn so với canh tác truyền thống 10%./.

Bình Nguyên