
Giá lợn hơi lập kỷ lục trong 5 năm
Thời điểm này, giá lợn hơi đang ở mức cao, tại nhiều tỉnh, thành đã cán mốc 80.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 5 năm qua. Nguyên nhân được cho là thiếu hụt nguồn lợn cục bộ trong nước đã đẩy giá lợn tăng lên. Lợn hơi bán được giá và có xu hướng tăng khiến người chăn nuôi rất phấn khởi, đồng thời cũng tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết giá lợn hơi tháng 1/2025 tăng khoảng 10-12% so với cuối năm 2024, dao động từ 66.000-69.000 đồng/kg. Sang tháng Hai, mặt hàng này tiếp tục tăng, lên 72.000-78.000 đồng/kg, tăng khoảng 15-18% so với tháng Một.
Đến tháng Ba, giá lợn hơi tăng lên 79.000-82.000 đồng/kg tại Nam Trung bộ. Tại Đồng Nai ngày 6/3, giá kỷ lục được ghi nhận là 83.000 đồng/kg. Đến trung tuần tháng Ba, giá có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ ở 3 miền.
Hiện nay, giá lợn hơi bình quân tại miền Bắc dao động khoảng 74.000-75.000 đồng/kg, miền Trung từ 75.000-80.000 đồng/kg, miền Nam là 80.000-81.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, ước tính người chăn nuôi đang lãi từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Với giá bán hiện nay, ước tính người chăn nuôi đang lãi từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu so với khu vực, giá lợn hơi trong nước cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar... (khoảng 56.000 - 63.000 đồng/kg) và thấp hơn giá tại Philippines (100.000 - 115.000 đồng/kg).

Thực tế, nguyên nhân giá bán thịt lợn tăng là do trong mùa mưa năm trước, các tỉnh phía Bắc bị cơn bão số 3 “càn quét” hết gia súc, gia cầm, đến nay người chăn nuôi chưa kịp phục hồi dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào cuối năm 2024 gây ảnh hưởng đến việc tái đàn của bà con chăn nuôi các tỉnh phía Bắc, nguồn cung bị đứt gãy nên con giống bị khan hiếm, số lượng cung thấp hơn nhu cầu dẫn đến giá cả liên tục tăng cao.
Theo ông Dương Tất Thắng, tại các địa phương số lượng chăn nuôi nông hộ đang giảm nhiều, nguyên nhân là do trước đây giá lợn ở mức thấp, cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp dẫn đến thua lỗ, vì vậy bà con dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để dễ phát triển kinh tế. Trong khi hiện nay nhu cầu thực phẩm đang tăng cao, số lượng hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, do thắt chặt quản lý môi trường, tổng rà soát lên kế hoạch di dời trang trại lớn, chăn nuôi gia công ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi. Do đó, nhiều thời điểm, trại thương phẩm, trại gia công để trống chuồng hoặc đưa vào nuôi không hết công suất.
Kiểm soát quy mô đàn lợn tránh tái đàn ồ ạt
Báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng đàn lợn của cả nước là 26,8 triệu con (chưa tính 4,5 triệu lợn con theo mẹ, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước), đàn gia cầm hơn 574 triệu con (tăng 3,4%); riêng đàn bò và đàn trâu đều giảm và chỉ còn lần lượt 6,32 và 2,1 triệu con.
Trước sự tăng giá này, nhiều hộ chăn nuôi phấn khởi, kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận cao sau những tháng dài chịu lỗ vì giá cả bấp bênh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng là giá lợn giống cũng tăng mạnh theo giá lợn hơi. Hiện lợn giống 7 - 8kg/con đang được bán với giá 2,4 - 2,6 triệu đồng/con, cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Không chỉ giá lợn giống tăng, mà các chi phí đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng tăng theo. Theo thống kê, giá cám tăng khoảng 10 - 15% so với cuối năm 2024. Điều này khiến bài toán kinh tế của người chăn nuôi càng thêm căng thẳng.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện tại các đơn vị không khuyến khích người chăn nuôi tái đàn hay tăng đàn vì giá lợn giống quá cao và chi phí đầu tư lớn sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Nếu người nuôi tái đàn ồ ạt khi giá cao, nhưng đến lúc xuất bán giá lợn hơi có thể giảm, điều này sẽ khiến nông dân bị thua lỗ. Thực tế, sau đợt sốt giá năm 2020, người chăn nuôi đã đổ xô đầu tư nuôi lợn, nhưng sau một thời gian, nguồn cung vượt cầu khiến giá lợn hơi giảm mạnh, có thời điểm xuống đến 40.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.
Trước tình hình giá lợn hơn tăng cao, động lực để người chăn nuôi tích cực tái đàn, nhiều địa phương khuyến cáo khuyến cáo bà con chăn nuôi cần nắm thông tin thị trường, không nên đầu tư, tái đàn ồ ạt tránh trường hợp thị trường xấu đi thì có khả năng sẽ bị thua lỗ.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo về vấn đề chăn nuôi an toàn, giữ vệ sinh chuồng trại, chú ý thức ăn, nước uống và cách ly đối với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như chuột, ruồi muỗi, con người ra vào chuồng trại.
Các địa phương cũng khuyến cáo bà con tiêu độc sát trùng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, phối hợp tiêm phòng vaccine để tránh nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo tái đàn chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, giá thịt lợn chiếm khoảng 65% và ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, việc cơ cấu ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần có thời gian, lộ trình và được tính toán một cách kỹ lưỡng, khoa học, tránh tâm lý "ồ ạt" như thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng chỉ đạo Cục Chăn nuôi và Thú y cần hướng dẫn địa phương tăng cường tái đàn nhưng phải đảm bảo an toàn sinh học, sớm ổn định nguồn cung thực phẩm, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá thịt lợn cao hiện nay có thể là cơ hội tốt cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, để người chăn nuôi yên tâm, cần có giải pháp hiệu quả từ cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cần tăng cường nguồn cung con giống để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn một cách an toàn./.