Toàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ có 3 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là Đặc sản tương làng Bợ, xã Thạch Đồng và 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh là Trà Matcha Maika - Trà Matcha sữa của Công ty TNHH Maika Food. Đây là những sản phẩm đặc sản mang thương hiệu của Thanh Thủy và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng Việt, nhất là từ khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH Maika Food ở khu 3, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy đi vào hoạt động từ năm 2019 với mong muốn thúc đẩy giá trị của cây chè và mang đến cho khách hàng những sản phẩm hữu cơ chất lượng thông qua công nghệ sấy lạnh hiện đại trên thế giới… Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, đơn vị đã hợp tác với các hộ trồng chè trên địa bàn huyện nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ.
Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bước đầu giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Hiện sản phẩm của Công ty đã có mặt trên các trung tâm mua sắm, siêu thị và các sàn thương mại điện tử trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Hương – GĐ Công ty TNHH Maika Food cho hay, ngoài ra, Công ty còn tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại... trong quá trình chăm sóc chè để tạo ra những sản phẩm chè uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong thời gian tới, là được mở rộng quy mô sản xuất, để tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm và thị trường tiêu thụ”, bà Hương tâm sự.
Còn đối với HTX sản xuất đặc sản Tương Làng Bợ, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, có trên 50 hộ gia đình làm tương theo phương pháp thủ công truyền thống.
Bà Trần Thị Phượng, GĐ HTX sản xuất đặc sản Tương Làng Bợ, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy bộc bạch: “Để sống được với nghề, nhất là trong thời buổi hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh độc hại”.
Theo bà Phượng, bình quân mỗi năm HTX sử dụng từ 10 - 12 tấn gạo, 5 tấn đỗ, 3 tấn muối để sản xuất ra sản phẩm tương. Gạo nếp sau khi đồ xôi đem phơi nắng, ủ lên mốc vàng hoa cau, hoa cải. Đỗ tương rang chín, nghiền bột, trộn muối phơi nắng 1 tuần, sau đó cho mốc xôi vào chum cùng nước đỗ ngâm, gọi là ngả tương, chừng 15 ngày sau là nấu thành tương có thể sử dụng được.
Ngoài ra, tương Làng Bợ có nhiều năm liền được tham dự hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam tại Hà Nội và các hội chợ do huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ tổ chức. Hiện nay, HTX tương Làng Bợ có 134 cơ sở giới thiệu, đại lý bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Để mỗi xã tạo dựng được một sản phẩm đặc hữu, thời gian qua, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các địa phương và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng…
Đồng thời, liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn...
Trò chuyện với PV, ông Dương Quốc Lâm – Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy khấn khởi cho biết, với quyết tâm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu huyện Thanh Thủy nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP là chỉ tiêu của tiêu chí “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”, cũng như làm sao biến các sản phẩm OCOP trở thành lợi thế thu hút khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Thanh Thủy. Ngoài ra, còn nâng tầm sản phẩm OCOP, đặc biệt một số sản phẩm đặc hữu đã có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài tiếp tục vươn xa.
Có được kết quả vui mừng như vậy, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn toàn huyện Thanh Thủy. Bên cạnh đó, huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về chương trình sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng thương hiệu, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.