Huyện Cư M’gar công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp bền vững

Có tổng diện tích tự nhiên 82.450ha với khoảng 71.000ha là đất nông nghiệp, Cư M’gar là huyện đầu tiên ở Đắk Lắk công bố kết quả bản đồ nông hóa thổ nhưỡng với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Thông tin trên được cung cấp tại Hội nghị công bố Đề án “Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar đến năm 2030” diễn ra ở UBND huyện Cư M’gar vào sáng 12/3.

toan-canh-hoi-nghi-cong-bo-de-an-xay-dung-ban-do-nong-hoa-tho-nhuong-phuc-vu-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-huyen-cu-mgar-den-nam-2030-1710255723.jpg
Toàn cảnh Hội nghị công bố Đề án “Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar đến năm 2030”.

Theo kết quả công bố, bản đồ nông hóa thổ nhưỡng của huyện Cư M’gar có 9 loại đất, được chia thành 4 nhóm. Trong đó, 2 nhóm đất chính là: nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất đen, với tổng diện tích lên đến 65.512 ha phân bố tập trung. Hai nhóm đất này có đặc điểm là hàm lượng dinh dưỡng khá cao, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Nhóm này được đánh giá là mang lại lợi thế sản xuất nông nghiệp của huyện, có thể phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung lớn của địa phương. Nhóm phụ là hai loại đất xám và đất thung lũng.

Ngoài ra, kết quả báo cáo còn xác định được các yếu tố khác như mức độ phì tiềm tàng của các vùng đất khác nhau; khả năng thích nghi của các nhóm cây trồng sắp được triển khai canh tác trên địa bàn; khu vực đất nghèo dinh dưỡng; lượng phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng và từng loại đất. Điều này sẽ giúp hoạt động nông nghiệp và sản xuất của huyện đạt hiệu quả tốt hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Hồng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng là cơ sở khoa học giúp địa phương có thêm căn cứ để đánh giá tiềm năng sử dụng đất. Từ đó, phục vụ tốt các hoạt động như: Quản lý đất đai trong phát triển kinh tế; số hóa nền nông nghiệp; định hướng - xây dựng hệ thống cây trồng phù hợp,... "Việc hiểu rõ tính chất của các loại đất còn giúp bà con nông dân xác định biện pháp, kỹ thuật canh tác hợp lý để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đạt hiệu quả cao trong nông nghiệp để hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững và chính xác trong tương lai" - ông Nhật phân tích.

ong-vu-hong-nhat-chu-tich-ubnd-huyen-cu-mgar-phat-bieu-tai-hoi-nghi-1710255701.jpg
Ông Vũ Hồng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar phát biểu tại hội nghị.

Theo UBND huyện Cư M’gar, trong những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển tốt. Các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng… được trồng phổ biến và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, huyện vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định đó là còn bị khả năng mở rộng sản xuất các cây trồng có hiệu quả kinh tế. Việc thay đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường thì còn chưa có căn cứ khoa học để triển khai.

Mặt khác, đất bị thoái hóa, giảm chất lượng do bị canh tác liên tục trong một thời gian dài ở một số khu vực; năng suất, chất lượng, sản phẩm của một số cây trồng chưa được tốt do chưa phù hợp với thổ nhưỡng gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và đời sống của người dân ... cũng là vấn đề được UBND huyện Cư M’gar nêu ra.

cu-mgar-la-don-vi-dau-tien-cua-dak-lak-xay-dung-ban-do-nong-hoa-tho-nhuong-1710255761.jpg
Cư M’gar là đơn vị đầu tiên của Đắk Lắk xây dựng Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng.

Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Vũ Hồng Nhật nhấn mạnh: "Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng được lập ra nhằm ướng tới mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp bền vững, khuyến khích các các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng vùng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao và chất lượng".

Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng huyện Cư M’gar đã được Hội đồng chuyên môn thẩm định, nghiệm thu sau gần một năm triển khai thực hiện. Đây là sản phẩm nằm trong Đề án do địa phương phối hợp với Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thực hiện từ đầu năm 2023 với tỷ lệ 1/25.000. Cư M’gar là đơn vị đầu tiên của Đắk Lắk và thứ 2 của Tây Nguyên xây dựng được bản đồ này để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Hồng Giang