Chính sách thuế mới của Mỹ: Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản 'choáng váng', ngành nông nghiệp sẵn sàng ứng phó linh hoạt

Theo số liệu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Đứng trước chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, doanh nghiệp nông sản Việt Nam tìm giải pháp vượt khó.
chinh-sach-thue-cua-my-2-1743728057.jpg
Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với trị giá chiếm 53,1% tổng trị giá xuất khẩu.(Ảnh minh họa)

Mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp

Rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc top cao thế giới.

Theo số liệu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, với mức tăng lên đến 24,6%, và Trung Quốc tăng 11%.

Xét về các mặt hàng, Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm thị phần 55,5%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2025 gặp nhiều thuận lợi, trị giá xuất khẩu tới các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là thị trường Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với trị giá chiếm 53,1% tổng trị giá xuất khẩu. Về thủy sản, Mỹ nhập khẩu 18,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10,07 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chia sẻ “không hiểu nổi chuyện này”, mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Intimex đạt 1,4 tỷ USD, doanh thu 75.000 tỷ đồng thì xuất khẩu sang Mỹ đạt 100 triệu USD, chủ yếu là cà phê.

“Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Intimex thì thấy không đáng ngại. Tuy nhiên nếu cứ áp mức thuế nói trên trong thời gian dài thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ khó gồng gánh nổi”, ông Nam cho hay.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: "Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa lần nào cao như lần này. Nếu với mức này thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của rất nhiều người".

Ông Quốc thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang nghe ngóng thêm tình hình, bởi hiện tại giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên 150% thì không thể cạnh tranh nổi.

Tìm những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Thông tin này khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối". Hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trước tình hình đó, tới đây VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt.

chinh-sach-thue-cua-my-4-1743728096.jpg
Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa lần nào cao như lần này.(Ảnh minh họa)

Để đáp ứng yêu cầu về pháp lý đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ, các chuyên gia đến từ các hiệp hội khuyến nghị, các bên liên quan tại Việt Nam cần triển khai các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương giữa hai quốc gia để thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.

Cùng với đó, cần tăng cường cơ chế trao đổi, quản lý giám sát với Cơ quan lâm nghiệp Mỹ về yêu cầu pháp lý của quốc gia này đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu và các hướng dẫn cụ thể. Chia sẻ, phổ cập thông tin về yêu cầu pháp lý của Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ và nhập khẩu tới các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ. Hướng dẫn, yêu cầu các cơ quan tiến hành các thủ tục xác nhận khai thác, thương mại gỗ hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam cho chủ rừng và doanh nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, diễn đàn để trao đổi và chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các Hiệp hội, doanh nghiệp gỗ tại Mỹ để có thêm thông tin về yêu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu.

Xây dựng hệ thống thư viện số, tích hợp các quy định, tiêu chuẩn, kiến thức, hướng dẫn đáp ứng các quy định của Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ để chia sẻ thông tin tới các doanh nghiệp gỗ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu vận dụng sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh thông tin truyền thông khác để nắm bắt những thay đổi chính sách, quy định của Mỹ, chủ động thu thập thông tin và bằng chứng chứng minh gỗ được khai thác và thương mại hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Song song đó, cần đa dạng hóa thị trường: Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ. Nâng cao năng lực cạnh tranh: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi có thuế cao.

Về phía Chính phủ, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường mới, và nâng cao năng lực sản xuất. Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.

Ngành nông nghiệp linh hoạt ứng biến trong thời gian tới

Theo báo cáo của Bộ NN&MT, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD; thủy sản đạt 2,29 tỷ USD; lâm sản đạt 4,21 tỷ USD… Mỹ là thị trường đứng đầu của nông sản Việt Nam. Trị giá xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm sang thị trường Mỹ tăng 13,5%.

Sáng 3/4, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - có cuộc trao đổi với báo chí về phản ứng trước mức thuế mới mà Mỹ áp dụng với Việt Nam và hướng đối phó của nền nông nghiệp nước ta trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Việt Nam là nước xuất siêu nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản vào Mỹ. Trước đó, chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động, đặc biệt với nông sản, chúng ta có kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu tác động. Ví dụ như giảm thuế mặt hàng nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam để xử lý một cách hài hòa cả hai chiều. Nhưng sau khi nghe tin Mỹ áp thuế 46% đối với mặt hàng của Việt Nam, tôi chết điếng người... Tôi khẩn trương yêu cầu các đơn vị bàn đối sách ứng phó.

chinh-sach-thue-cua-my-5-1743728043.jpg
Để tháo gỡ khó khăn, ngành nông nghiệp phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác. (Ảnh minh họa)

Đánh giá sự tác động với ngành nông nghiệp Việt Nam khi áp mức thuế quan lần này của Mỹ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2024, Mỹ đóng góp 13,8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, đứng thứ nhất, sau đó đến Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Tỷ trọng này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ. Thế nhưng, khi nông sản Việt Nam vào Mỹ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương và chúng ta đều vượt qua.

Ở mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng phải dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chúng ta phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.

Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Vừa rồi, Chính phủ đã họp 2 phiên bàn thảo về chuyện này, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, trong đó có nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường nào.

Nhận định về những tác động tới ngành Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Chúng ta cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng, ví dụ hai ngành trọng điểm là cá tra, tôm. Tôm Việt Nam có sản lượng 1,3 triệu tấn mỗi năm, có thể xuất khẩu mang về 4,3 tỷ USD, trong khi cá tra sở hữu năng suất dẫn đầu thế giới với sản lượng 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD.

Với ngành tôm, chúng ta phải làm rõ xem cần làm mới động lực từ ngành này thế nào để cạnh tranh được với Ấn Độ, Ecuador. Với cá tra, mình có lợi thế rồi thì phát huy. Nuôi tôm phải chuyển sang nuôi thâm canh thay vì quảng canh để tăng năng suất, phải đảm bảo con giống, tăng tỉ lệ sống của con giống, đầu ra có độ đồng đều cao. Các lô hàng xuất đi cần lưu ý vấn đề tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh, phải hạn chế tối đa để chúng ta duy trì được thị trường./.

Bình Châu