Giảm phát thải khí trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn, vùng an ninh lương thực của cả nước. Tuy nhiên, những thống kê gần đây cho thấy, sản xuất lúa là nguồn phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong ngành nông nghiệp.

Làm cách nào để giảm lượng phát thải trong sản xuất lúa, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là thách thức, bài toán khó đối với nhà nước và những người làm khoa học.

*Thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản lúa trọng điểm của quốc gia, với diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9 - 4 triệu ha/năm, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng của cả nước và sản lượng lúa xấp xỉ khoảng 23,8 triệu - 24 triệu tấn lúa/năm, chiếm hơn 50% sản lượng lúa của cả nước sản xuất hàng năm.

Hiện nay các kỹ thuật canh tác lúa có thể làm tăng năng suất lúa, gia tăng sản lượng lúa nhưng cũng có thể tác động ngược lại là làm tăng lượng phát thải khí nhà kính.

"Đồng bằng sông Cửu Long gắn với nghĩa vụ an ninh lương thực. Tuy nhiên, canh tác lúa chiếm tỷ lệ phát thải khí cao nhất trong ngành nông nghiệp. Canh tác lúa quy mô lớn bảo đảm an ninh lương thực và một phần sinh kế cho người dân nhưng sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này là thách thức lớn với Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam", ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

smartselect-20200711-203302-word-1-1024x571-1-906-1639212515.jpeg
 Ảnh minh hoạ

Cùng quan điểm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là trở ngại, thách thức lớn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã có những cam kết với quốc tế và canh tác giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại, thách thức đang phải cố gắng vượt qua để có thể hoàn thiện những cam kết với quốc tế, đồng thời đem lại những tích cực cho sản xuất lúa quốc gia.

Theo ông Lê Thanh Tùng, hiện nay, các địa phương chú ý tăng trưởng năng suất, sản lượng lúa để nhằm đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng về GDP và những mục tiêu kinh tế khác, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó, đôi khi các địa phương chưa kết hợp được mục tiêu vì an ninh lương thực, phát triển kinh tế, an sinh xã hội đối với việc canh tác giảm phát thải nhà kính; thiếu cơ chế về thúc đẩy động viên nông dân nên không thu hút được người dân.

Ngoài ra, một số địa phương có hạ tầng thủy lợi, giao thông, thiết kế đồng ruộng tốt nhưng chưa chú trọng tiên phong trong giảm phát thải nhà kính; chưa khai thác, quản lý được phụ phẩm trong nông nghiệp như đốt rơm rạ, sử dụng nhiều phân vô cơ... làm tăng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính còn tốn kém nên người dân chưa áp dụng rộng rãi.

Theo bà Dương Thị Nga, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, lợi ích chính sách thuế carbon khuyến khích các ngành sản xuất, doanh nghiệp chuyển đổi sang phương thức sản xuất sạch, sử dụng năng lượng sạch. Lợi ích này cũng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giảm chi phí xử lý các hậu quả do ô nhiễm môi trường. Đã có một số nước Bắc Âu khi thực hiện chính sách thuế carbon đã tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo ra ngành công nghiệp xanh mới, khuyến khích tài chính xanh.

Tuy nhiên, đối với các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam thì chính sách thuế carbon sẽ là một thách thức lớn bởi chi phí sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa sẽ cao. Điều này khiến giá thành sản phẩm cao, giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa trong các thị trường xuất khẩu. Tăng giá cả cũng sẽ tác động đến đời sống người dân, nhất là những người có thu nhập thấp.

*Chung tay cùng hành động

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính là trách nhiệm quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng nhau hợp tác và huy động quốc tế hỗ trợ.

Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh tăng cường thông tin những hậu quả của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long rộng rãi trong nước và quốc tế, nhà nước cần thay đổi chính sách, cách làm trong giảm phát thải khí hiện nay. Nhiều mô hình áp dụng khoa học công nghệ giảm biến đổi khí hậu, tập trung giảm phát thải trong sản xuất lúa thiếu sự tham gia của chuỗi cung ứng và công cụ kinh tế thị trường nên thiếu bền vững. Việc cần là phải áp dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý đầu tư trong chuỗi cung ứng mới có thể thay đổi được bức tranh, biến canh tác giảm thải khí nhà kính thành mô hình kinh tế bền vững, mang lợi nhuận cao. Không nên đặt vấn đề đơn giản chống biến đổi khí hậu bằng hỗ trợ.

Chủ tịch Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng đóng vai trò khắc phục biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi cách nhìn về an ninh lương thực. Ngày nay, người dân đã tập trung vào chất lượng gạo, đa dạng nguồn thực phẩm. Vì vậy, an ninh lương thực phải thích nghi với sự phát triển xã hội và công nghệ.

Ngoài ra, nhà nước cần giới thiệu và nhân rộng các mô hình sản xuất có cam kết với chính phủ về giảm phát thải; hỗ trợ số hóa quản lý sản xuất, quỹ cung ứng an toàn thực phẩm; tăng được chất lượng, giá trị của sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo để tăng giá trị; tăng nhận thức về biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; tạo động lực cho nền kinh tế giảm thải khí nhà kính như tăng thu nhập cho người nông dân canh tác lúa ...

"Việc chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp là việc cần phải làm nhưng phải lấy con người làm trung tâm, thay đổi hài hòa sự phát triển, tăng thu nhập cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu người nông dân không có quyền lợi cụ thể thì khó kêu gọi họ cùng tham gia sản xuất giảm phát thải vì chi phí cao. Vì vậy, tăng thu nhập cho người dân canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng cách quản lý chuỗi: người sản xuất, người cung cấp đầu vào, canh tác đúng kỹ thuật, áp dụng công nghệ canh tác... để kiểm soát được các khâu trong chuỗi sản xuất, kéo giảm phát thải", ông Đào Hà Trung đề xuất.

Đồng tình với những quan điểm của ông Đào Hà Trung nêu ra, ông Nguyễn Văn Toàn, Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn cho rằng, nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu vào năm 2030 giảm khoảng 10% khí phát thải nhà kính thì cần tập trung các giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung cho người nông dân hiểu, biết về phát thải khí nhà kính; nguyên nhân, hậu quả và cách làm để người dân chung tay cùng thực hiện. Bởi người nông dân là người sản xuất lúa trực tiếp, cần biết các giải pháp kéo giảm phát thải khí nhà kính như: 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm. Ngoài ra, phải thay đổi nhận thức của người dân về rơm rạ. Rơm rạ không nên xem là phụ phẩm đem đốt, thay vào đó biến rơm ra thành tài nguyên.

"Nếu vùi rơm rạ xuống đất trong điều kiện đất ngập nước gây yếm khí, phát thải khí. Việt Nam hiện nay trung bình mỗi năm có từ 42 - 45 triệu tấn rơm rạ. Nếu sử dụng rơm rạ vào mục đích khác nhau theo chuỗi giá trị của rơm rạ sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, như: làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, nuôi trồng nấm, bán rơm tươi... Nếu sử dụng các chế phẩm phân giải nhanh vùi vào rơm rạ sẽ tạo ra phân bón, tiết kiệm được khoảng 20% lượng phân khoáng, tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng, đây là khoản lợi nhuận lớn, tạo ra thu nhập cho người nông dân", ông Nguyễn Văn Toàn tính toán./.