Có rất nhiều cư dân Trung Quốc không biết Lan Thương và Mê Kông là một nên họ thắc mắc tại sao các nước hạ nguồn lại bận tâm đến việc Trung Quốc xây nhiều đập lớn trên sông Lan Thương? Nhà báo Tom Fawthrog nổi tiếng của Đông Nam Á, khi quay bộ phim tài liệu “Where have all the fish gone?” (Cá đã đi đâu hết?) tâm sự khi phỏng vấn một nhà ngoại giao Trung Quốc, người đó đã nói rằng: “Những việc xảy ra trên sông Lan Thương không ảnh hưởng gì đến sông Mê Kông. Vì đó là hai con sông khác nhau.” Sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc rất dài, nhưng nó chỉ đóng góp chưa đến 20% lượng nước của lưu vực sông Mê Kông.
Ngay sau khi chảy ra khỏi địa phận Trung Quốc, lưu vực của nó lấy nước khắp nơi, ngoại trừ phần Đông Bắc nhỏ nhoi của Lào, một nửa của Thái Lan và gần toàn bộ lãnh thổ Campuchia. Khi chảy đến phía Nam Phnompenh, thủ đô của Campuchia, Mê Kông phân thành nhiều nhánh, cấp nước cho hơn 30.000km kênh nhân tạo của đồng bắng sông Cửu Long của Việt Nam.
Ngoài lúa gạo và vô vàn sản vật phong phú do phù sa của Mê Kông đưa lại, sông này còn có hơn 1000 loài đặc hữu, trong đó có hơn 700 loài cá di trú. Trên thế giới, chỉ có sông Amazon hơn hẳn Mê Kông về các loài đặc hữu vì có vùng đầu nguồn mênh mông, rộng gấp 10 lần của Mê Kông. Nguồn cá tự nhiên vô cùng dồi dào của sông Mê Kông khiến nó trở thành ngư trường nội địa nước ngọt lớn nhất thế giới. Theo các nhà nghiên cứu, sản lượng đánh bắt hàng năm trên dòng Mê Kông đạt trên 2 triệu tấn các loại. Xem ra không có lưu vực sông nào trên thế giới có được sản lượng lớn như vậy. Sản lượng đánh bắt cá hàng năm của Mê Kông lớn gấp 13 lần sản lượng đánh bắt của tất cả các sông, hồ ở Bắc Mỹ, kể cả Ngũ Đại hồ cộng lại. Do rất dồi dào thức ăn, nên sông Mê Kông có nhiều loại cá khổng lồ như cá trê, cá đuối và cá heo nước ngọt.
Tuy nhiên, mấy thập niên gần đây, Mê Kông đang trở thành một con sông “chết” vì mức nước dần cạn kiệt, các loại cá đặc sản cũng biến mất. Nguyên do, vì các nước có Mê Kông chảy qua đều đang ồ ạt xây đập trên cả sông chính và sông nhánh để làm thủy điện, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và phân phối nước để thâm canh nông nghiệp các vùng khô cằn. Trong đó, Trung Quốc hiện đã xây mười đập trên thượng lưu Mê Kông và thêm chín đập lớn nữa sẽ hoàn thành vào 2030. Trong số đó có 6 đập được cho là “khổng lồ” như: đập Đại Triều Sơn 1.350 megawatt, đập Mai Loan 1.700 megawatt, đập Tiểu Loan 4.200 megawatt. Đây là con đập cao 292m, từng được đánh giá là đập cao thứ hai thế giới, có hồ chứa tương đương với Vịnh Chesapeake. Đặc biệt, đập Nọa Trát Độ, có công suất cực lớn, 5.800 megawatt. Chạy đua với Trung Quốc, Lào có kế hoạch xây chín đập trên sông chính và một trăm ba mươi đập ở các sông nhánh với tham vọng trở thành “nguồn năng lượng của Đông Nam Á”. Trong đó đập Yayaburi dài hơn 800m, cao 32m có công suất thủy điện là 1.260 megawatt. Chi phí xây dựng khoảng 3,2 tỷ USD. Campuchia cũng có kế hoạch xây hai đập trên sông chính và gần bốn mươi đập trên các sông nhánh. Nhiều nhà quan sát và kinh tế học cho rằng: Cách làm dự án chồng lên dự án của một số quốc gia lưu vực sông Mê Kông mà không có kế hoạch cụ thể, không có mục tiêu rõ ràng sẽ khó đạt được kết quả, kỳ vọng như mong muốn.
Việc các nước đua nhau xây đập trên sông Mê Kông không chỉ làm hủy diệt các loài cá di cư và kế sinh nhai của hàng triệu cư dân địa phương mà nghiêm trọng hơn, nó làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của hàng chục triệu dân ở khu vực hạ lưu Mê Kông. Để xây đập, các công ty đã cho đốn sạch, phá sạch các khu rừng nguyên sinh mênh mông và cưỡng bức hàng triệu người phải di cư, tái định cư, hủy hoại thậm chí xóa bỏ cả các nền văn hóa đa dạng, độc đáo lâu đời của các bộ tộc, dân tộc sống hai bên bờ sông Mê Kông.
Đối với Việt Nam chúng ta, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất trù phú và màu mỡ nhất thế giới. Với hơn 25 triệu dân và là nơi sản xuất hơn 40% sản lượng nông nghiệp chỉ trên 12% diện tích đất. Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long sản xuất từ 25 – 28 triệu tấn lúa gạo, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, thu về mỗi năm từ 7 đến 10 tỷ USD. Đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi sản xuất 60 – 70% lượng trái cây và 75% sản lượng tôm, cá nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau khi hàng trăm con đập được các quốc gia đua nhau xây chắn trên thượng nguồn, cộng với biến đối khí hậu khắc nghiệt, thì tiềm năng to lớn đó của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng, thách thức nghiêm trọng. Do lượng nước, nguồn phù sa tự nhiên đổ về đồng sông Cửu Long ngày càng ít, phần lớn trầm tích bị biến mất và các dòng sông biến thành các vũng tù đọng làm cho tôm cá, các loài thủy sản không còn nguồn sống, đất đai màu mỡ bị mất dần, khiến cho hàng chục triệu cư dân ở đập rơi vào cảnh sống khó khăn.
Trước thực trạng nói trên, nhiều năm qua, Chính phủ và các tỉnh, thành phố khu vực đồng sông Cửu Long đã đầu tư nhiều tiền của để nạo vét sông, đắp và xây thêm nhiều kênh rạch mới, đê đập mới để vừa giữ nước, giữ phù sa nhưng do nguồn nước ngày càng cạn kiệt, cộng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt nên đang gây ra nhiều hệ lụy, thách thức nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường xanh, sạch ở đồng sông Cửu Long.