Hơn 15 năm qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả thiết thực trong đó có phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Trong bối cảnh hiện nay, trước những yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển KTTT theo hướng bền vững cũng đòi hỏi chính quyền tỉnh Kiên Giang cần có sự thay đổi để phù hợp với xu thế.
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho thấy, tính đến tháng 2/2025, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh đạt 359.316 ha, tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng lúa lớn trên cả nước, với sản lượng ước đạt 4-4,5 triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt, diện tích lúa gạo chất lượng cao chiếm trên 90% diện tích gieo trồng.
Với quy mô và tiềm lực của mình, ngành nông nghiệp Kiên Giang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, việc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xanh hóa được tỉnh đặc biệt chú trọng. Suốt nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chuyển đổi số để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mô hình “Cánh đồng không dấu chân” là một trong những chiến lược của tỉnh để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong suốt những năm qua, các hoạt động nằm trong mô hình “Cánh đồng không dấu chân” đã được tỉnh liên tục triển khai.

Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cũng rất tích cực trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường. Việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải carbon, khí nhà kính trong suốt quá trình sản xuất lúa đã thu về nhiều kết quả tích cực. Với yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, việc cập nhật xu hướng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng là vô cùng cần thiết.
Từ những cánh đồng lúa được sản xuất theo mô hình truyền thống, giờ đây Kiên Giang đã có những cánh đồng không dấu chân người, thay vào đó là các máy móc, kỹ thuật tân tiến hiện đại. Không chỉ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, những mô hình “Cánh đồng không dấu chân” đã giúp bà con nông dân giảm được rất nhiều chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng lúa gạo. Các sản phẩm của người dân địa phương cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.
Những nỗ lực của chính quyền tỉnh Kiên Giang đã giúp thu về nhiều “trái ngọt”. Theo thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, trên toàn tỉnh hiện có 529 HTX đang hoạt động với hơn 50 nghìn thành viên, 66.754,7 ha đất canh tác và tổng vốn điều lệ đạt hơn 494 tỷ động. Trong số các HTX, có 470 HTX nông nghiệp, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, 3 liên hiệp HTX thuộc các vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo bền vững ghi nhận tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng với tổng diện tích sản xuất 31.720 ha, có 35 thành viên tạo việc làm cho 19 lao động thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, tỉnh Kiên Giang cũng đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình phát triển mô hình “Cánh đồng không dấu chân”. Nhiều bà con nông dân chưa sẵn sàng tham gia do tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ, trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX. Một số thành viên HTX vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, dù số lượng HTX tăng, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, hiệu quả hoạt động chưa cao, năng lực cạnh tranh và lợi ích mang lại cho thành viên thấp. Tính liên kết trong nội bộ HTX vẫn còn yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Không chỉ vậy, nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.

Đứng trước những thách thức này, liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã xác định những nhiệm vụ mục tiêu quan trọng, từ đó đưa ra những đề xuất kiến nghị dành cho chính quyền tỉnh. Nhờ có sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của UBND tỉnh Kiên Giang, các khó khăn, vướng mắc đang dần được tháo gỡ. Trong đó, vấn đề đảm bảo kinh phí triển khai mô hình, thúc đẩy các chương trình đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số trong nông nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư.
Các sở ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng đã tích cực vào cuộc để đồng hành với Liên minh HTX tỉnh trong công tác tư vấn, tuyên truyền vận động thành viên HTX và người dân tham gia chuyển đổi số một cách thiết thực và hiệu quả. Để từ đó người dân an tâm và tích cực tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.