Giá nhiêu liệu tăng đang tác động ra sao tới các doanh nghiệp vận tải?

Giá nhiên liệu xăng, dầu liên tiếp tăng trong hơn hai tháng qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chưa kịp hồi phục sau dịch COVID-19, lại phải gánh thêm khoản chi phí lớn từ giá xăng, dầu tăng. Nhiều doanh nghiệp vận tải chia sẻ, khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp đang đối mặt với thua lỗ và phải giảm hoạt động.

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng trong khi lượng khách đi xe giảm khiến kinh doanh thua lỗ. Việc tăng giá cước trong thời điểm này cũng không phải dễ vì người dân, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải "liệu cơm gắp mắn" trong bối cảnh hiện nay để vượt qua khó khăn.

Một nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến Sơn La - Hà Nội chia sẻ, doanh ảnh hưởng của dịch COVID-19; trừ những ngày cuối tuần thì hàng ngày lượng khách đi được 50% công suất. Vì thế, chi phí để xe hoạt động, cả lượt đi và lượt về bị đội lên. Nghĩa là càng chạy càng lỗ, tuy nhiên để duy trì thói quen cho hành khách hiện nhà xe hoạt động cầm chừng với 50% công suất và cho một nửa nhân sự nghỉ việc.

Trong khi đó chia sẻ với phóng viên, một số nhà xe chở khách ở bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết đang hoạt động cầm cự và đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi, sau khi giá xăng dầu tăng và lượng khách giảm.

Tại bến xe Nước ngầm, một chủ xe chạy đường dài Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh chia sẻ, các chi phí nhiên liệu từ đầu năm liên tục tăng lên mà nhà xe cũng khó tăng giá vé. Vì vậy, mỗi chuyến xe xuất bến chỉ mong tiền bán vé đủ chi phí trả nhân công và xăng dầu, không có tiền khấu hao xe và trả lãi ngân hàng. Vì thế, nếu tình hình vẫn khó khăn đon vị sẽ ngừng hoạt động một thời gian.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể tiếp tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35-40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT... Do đó, giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vận tải. Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh những chi phí không cần thiết, nâng cao ý thức của lái xe về tiết kiệm nhiên liệu. Tuy vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ phải điều chỉnh giá cước để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và mức điều chỉnh sẽ từ 5-7%. Như vậy, đã khó lại càng khó, bởi lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển giảm.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng và giảm 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4 đến hết năm 2022. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm mức chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Ước tính, xăng sẽ có cơ hội giảm khoảng 1.100 đồng/lít, các loại dầu là 550 đồng/lít.

Đánh giá về giải pháp này, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là động thái tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước để trợ giúp các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình hình giá dầu tiếp tục tăng thì cần mức giảm thuế môi trường mạnh hơn qua đó giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Chẳng hạn, áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn từ 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại, thay vì áp dụng một mức cố định đến hết năm 2022.

gia-xang-dau-tang-se-tac-dong-manh-den-cuoc-van-tai-1646812757.jpeg
Giá nhiêu liệu tăng đang tác động ra sao tới các doanh nghiệp vận tải?

Theo các chuyên gia kinh tế, giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Vì thế, giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục.

PGS TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định, việc giảm một số loại thuế như thuế môi trường sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh. Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu khoảng 40% là gánh nặng với người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo, xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng. Xăng dầu tuy chỉ chiếm từ 2 - 3% chi phí của nền kinh tế nhưng có tác động gián tiếp rất lớn. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất do tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ....

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, giá xăng dầu càng tăng cao, doanh nghiệp càng không có lãi. Trước mắt, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ điều chỉnh cước vận chuyển theo mức độ tăng của giá xăng dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, cố gắng trang trải các chi phí vay ngân hàng.

Cũng theo ông Lê Văn Tiến, hiện các doanh nghiệp vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải, từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp với chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột.

Trong một diễn biến mới nhất, đại diện Grab Việt Nam cho biết, để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu, Grab sẽ tăng cước vận chuyển bắt đầu từ ngày 10/3 tới.

Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp logistics, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 116 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù sản lượng tăng nhưng các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép rất lớn từ việc tăng giá do tác động của dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hiện vẫn còn hàng triệu container bị ùn tắc tại các cảng biển ở châu Âu và châu Mỹ trong khi nhu cầu nhập khẩu của hai khu vực này với hàng hóa Trung Quốc, châu Á cũng đột ngột tăng cao dẫn đến mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập.

Việc thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu khiến cước vận tải biển tăng cao, gấp 3-5 lần so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam đã phải giảm lượng hàng xuất khẩu.

Cũng theo các doanh nghiệp logistics, việc các công ty vận tải biển lớn như CMA, MSC hay Maersk thông báo tạm dừng những chuyến hàng tới Ukraine đã khiến cước vận tải đi châu Âu, Nga và các nước trong khu vực tăng vọt. Hiện giá thuê các tàu chở dầu Aframax cỡ nhỏ thực tế đã tăng từ 8.000 USD lên tới 100.000 USD/ngày

Với các đơn hàng đi Mỹ, doanh nghiệp cũng "đau đầu" vì cước tăng rất mạnh. Theo thống kê, chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) từ châu Á sang Mỹ đang ở mức gần 9.800 USD, tăng gấp hơn 7 lần so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Do tác động của giá xăng dầu, các công ty vận tải đã đưa ra mức cước vận chuyển mới khi chào giá các công ty xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Quế hồi Việt Nam VINA SAMEX cho hay, trước đây chúng tôi cộng 160 USD/tấn khi giao hàng cho khách sang cảng Hamburg của Đức, nhưng bây giờ phải cộng thêm 300 USD/tấn. Điều này sẽ hạn chế lượng mua của khách hàng, bởi giá sẽ cao hơn rất nhiều so với các năm trước".

Về kiểm soát giá cước vận tải biển, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt nam cho hay: đơn vị tiếp tục có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị với các bộ, ngành liên quan sửa đổi quy định, yêu cầu hãng tàu phải niêm yết giá chi tiết hơn trên từng tuyến, từng thời điểm, giá tăng/giảm như thế nào. Muốn tăng giá, phải thông báo cho khách hàng bằng hình thức gì, trước bao nhiêu ngày… để từ đó các doanh nghiệp chủ động đàm phán, lựa chọn các hãng tàu để hợp tác./.