Theo ông Đặng Hòa - Chủ tịch Hội vận chuyển du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng, chủ du thuyền Hàn Giang, Hội có tổng cộng hơn 20 du thuyền loại lớn hoạt động trên sông, cùng 8 tàu cao tốc đi ra biển. Các du thuyền loại lớn tiêu tốn từ 15-20 lít dầu/giờ hoạt động. Giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ khiến chi phí cho mỗi chuyến chở khách tăng khoảng 20%, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện khách du lịch mới bắt đầu trở lại nên các chủ du thuyền còn hoạt động cầm chừng, chưa tăng giá để thu hút khách. Nhưng dự kiến, đến giữa tháng 3, khách du lịch bắt đầu đông, các du thuyền hoạt động nhiều thì chắc chắn chủ du thuyền sẽ phải tăng giá vé để bù lỗ.
Tương tự, ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng cho hay, các hãng taxi đang gặp nhiều khó khăn do xăng dầu tăng giá. Do khó khăn vì dịch COVID-19, rất nhiều tài xế đã nghỉ việc để làm nghề khác. Hoạt động của các hãng taxi chỉ còn khoảng từ 30-40%. Dù doanh thu giảm sút mạnh nhưng các hãng taxi đều phải hỗ trợ, trích thêm phần trăm lợi nhuận cho lái xe vì giá xăng, dầu quá cao. Nếu không tăng giá cước thì các tài xế cũng không trụ nổi với nghề, các hãng taxi cũng không thể bù lỗ kéo dài.
Theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Liên Chiểu Xanh, trung bình chi phí xăng dầu chiếm khoảng từ 38-45% giá thành vận chuyển hàng hóa. Hiện giá xăng đã tăng nhiều đợt, nhưng giá vận chuyển hàng hóa rất khó điều chỉnh theo giá xăng vì hầu hết các hợp đồng vận chuyển hàng hóa đã được ký kết hàng năm với những điều khoản rõ ràng về giá cả.
Khi giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh giá thành. Nhưng do mới khôi phục sau dịch COVID-19 nên khách hàng cũng khó chấp nhận tăng giá theo thị trường nên doanh nghiệp vận tải hiện vẫn phải bù lỗ.
Về giải pháp cho vấn đề này, ông Hiệp cho rằng, xăng tăng giá do ảnh hưởng của các xung đột trên thế giới nên các doanh nghiệp phải đối mặt và chấp nhận quy luật của thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đã “kiệt sức” sau 2 năm dịch bệnh nên nếu giá xăng không giảm thì doanh nghiệp phải tăng giá vận chuyển hàng hóa để bù lỗ. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng, chi phí sản xuất chung và gây khó khăn cho công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội.
"Hiệp hội hiện đang có hơn 60 công ty thành viên, chúng tôi dự kiến sẽ soạn thảo văn bản đề nghị các cấp chính quyền triển khai biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế môi trường, thuế nhập khẩu xăng dầu..." ông Hiệp kiến nghị./.