Giá cà phê trong nước hôm nay
Giá cà phê trong nước hôm nay tăng mạnh từ 700 - 900 đồng/kg tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng tăng 900 đồng/kg, hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà đang được thu mua với giá từ 47.600 – 47.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk cùng tăng 800 đồng/kg, cà phê đứng ở mức giá cao nhất 48.100 đồng/kg. Tại TP Pleiku và huyện Ia Grai giá cà phê hôm nay là 48.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê tăng 700 đồng/kg, hôm nay giá thu mua ở mức 48.000 đồng/kg tại TP Gia Nghĩa và 47.900 đồng/kg ở huyện Đắk R'lấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê của cả nước năm 2022 đã tăng lên đến 710.590 ha. Năm 2022, Việt Nam vẫn cung cấp ra thị trường được 1,77 triệu tấn cà phê (xếp hạng thứ 2 sau Brazil) và đạt năng suất bình quân 2.493 kg/ha (vẫn đạt thứ nhất trên thế giới), tổng kim ngạch mang về cho đất nước là 4 tỷ USD. So với 2021 tăng hơn 13,8% về số lượng và 32% về kim ngạch.
Năm 2023, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp, tồn kho ít hơn mọi năm; dù vậy ngành cà phê Việt Nam vẫn có cơ hội đạt được kỷ lục xuất khẩu cà phê 4 tỷ USD như năm 2022.
Giá cà phê thế giới hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 6 USD, lên 2.183 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 8 USD, lên 2.169 USD/tấn, các mức tăng đáng kể.
Ở chiều ngược lại, giá cà phê Arabica trên sàn New York có xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 0,90 cent, còn 182,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,40 cent, đứng ở mức 181,75 cent/lb, các mức giảm đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê Arabica suy yếu do hiện tượng đầu cơ của nhà đầu tư chuyển sang mua Robusta, đồng thời giá Robusta tăng do Việt Nam bán hàng chậm lại.