Hợp tác phát triển nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng bền vững

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với Tổng Giám đốc toàn cầu IDH - ông Daan Wensing nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, giảm phát thải và đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam hiểu rằng đã đến lúc cần phát triển nông nghiệp theo xu thế mới của người tiêu dùng. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nền nông nghiệp định hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy chuỗi giá trị, tư duy kinh tế.

Việt Nam đã nhìn nhận sự phát triển kinh tế gắn với các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp không gắn với cảnh quan, giờ đây, Việt Nam đã nhìn nhận sản xuất nông nghiệp ở khía cạnh hệ sinh thái, môi trường. Cách tiếp cận đó tạo sự phát triển bền vững hơn cho các ngành hàng nông sản, đặc biệt là cây cà phê, cây hồ tiêu, những cây trồng của vùng Tây Nguyên.

tay-nguyen-1676350951.gif
IDH quan tâm phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. (Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường)

Bộ trưởng cho biết, khi Bộ trưởng có chuyến công tác ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã có ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở Việt Nam đã lâu nên việc hướng tới sự phát triển bền vững vẫn có những điểm nghẽn.

Việt Nam đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng góp phần giải quyết những đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng. Để xem xét một ngành hàng có bền vững hay không thì chủ thể của chuỗi ngành hàng đó từ người nông dân đến doanh nghiệp cần có sự gắn kết.

Ông Daan Wensing, Tổng Giám đốc IDH cho hay: "IDH đánh giá cao sự hợp tác của Bộ NN&PTNT trong việc phát triển bền vững các ngành hàng. Hai bên sẽ có sự hợp tác tập trung vào các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu và sự tiếp cận cảnh quan trong phát triển nông nghiệp bền vững".

Ông Daan Wensing cho rằng: "Chúng ta cần nắm bắt rõ nhu cầu, xu hướng của thị trường trên thế giới như giảm phát thải carbon cũng như các quy định của thị trường EU về hàng hóa nhập khẩu”.

Được biết, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc châu Á của IDH đã đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với IDH và các đối tác tư nhân trong ngành cà phê triển khai các hoạt động chính như: Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn; xây dựng Hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng (phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá các vùng có nguy cơ mất rừng thấp, vừa và cao tại khu vực Tây Nguyên theo định nghĩa của Liên minh châu Âu); xây dựng và thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc/minh bạch chuỗi cung ứng cho sản phẩm cà phê theo yêu cầu của EU tại các vùng có nguy cơ; tổng hợp và phản hồi với EU về hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng dựa trên các thử nghiệm trên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Bộ NN&PTNT và IDH cần nhìn nhận được các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên, từ đó đưa ra các hoạt động hợp tác phù hợp về truyền thông, khuyến nông, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân.

Trong những năm gần đây, xu hướng trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên vườn cà phê đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân, hạn chế được những rủi do về giá cả và biến động của thị trường.

Đối với những cây trồng chủ đạo đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, cần phát triển thêm một phân khúc sản phẩm theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm sạch và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một bước tiến trong việc phát triển nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp tuần hoàn bền vững, giảm phát thải phù hợp với cam kết COP26 của Việt Nam.

Cần tập trung thực hiện nghiêm ngặt các định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ và có định hướng rõ ràng về địa bàn và thị trường cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ cần phải đồng bộ và cần có sự công nhận, thừa nhận của quốc tế.

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan. So với 7 vùng sinh thái của nông nghiệp Việt Nam, Tây Nguyên có lợi thế cạnh tranh với quỹ đất bazan tập trung, điều kiện sinh thái và lượng mưa lớn, bình quân diện tích sản xuất hộ gia đình rộng hơn so với các nơi khác.
Ánh Dương (t/h)