Nhà thiết kế Việt phát triển công nghệ giả da bằng vỏ tôm và bã cà phê

Nhà thiết kế người Việt Uyên Tran đã phát triển một loại chất liệu có khả năng phân huỷ sinh học mang tên gọi Tômtex, có tính chất tương tự như da động vật được làm từ vỏ hải sản kết hợp bã cà phê.

Loại chất liệu sinh học này có thể tạo nên nhiều kiểu hoa văn trên bề mặt có thể dùng thay thế cho da động vật trong ngành công nghiệp thời trang. Bởi vì được làm từ vỏ của các loại hải sản, trong đó có tôm, cái tên Tômtex được ra đời. Tômtex được cấu tạo từ vỏ hải sản cùng với bã cà phê. Theo nhà thiết kế Uyen Tran, là người chiến thắng của giải thưởng Sáng tạo CFDA’s Design Scholar K11, sinh viên thời trang trường Parsons School of Design, loại chất liệu này đủ mềm để có thể khâu máy hoặc khâu tay. Nhà thiết kế Uyen Tran chia sẻ: “Tôi sinh ra tại thành phố Đà Nẵng, nơi chủ yếu sản xuất hàng dệt may từ da. Da được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau nhưng mọi người trên thế giới đang phải chịu đựng sự ô nhiễm mà ngành công nghiệp này gây ra.”

gia-da-tomtex-1677562498.jpeg
 

Sản phẩm thời trang ứng dụng công nghệ của Uyen Tran

Giải pháp của Uyen Tran mang lại hai hiệu quả, vừa tạo nên vật liệu mới vừa giải quyết chất thải của ngành công nghiệp thực phẩm. Khi mà hàng năm, có tới 8 triệu tấn vỏ hải sản thải và 18 triệu tấn bã cà phê thải ra. “Thế giới đang cạn kiệt nguyên liệu thô, vì vậy tôi muốn tái sử dụng những chất thải này thành một nguyên liệu sinh học mới, dễ tiếp cận trong cuộc sống hàng ngày để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề và góp phần tạo ra sự thay đổi”, Tran giải thích.

Tômtex có trụ sở tại New York, công ty làm việc với một nhà cung cấp tại Việt Nam, người thu gom các loại vỏ tôm, cua và tôm hùm phế thải cùng với vảy cá, để chiết xuất ra một chất tạo màng sinh học gọi là chitin. Chất này được tìm thấy trong vỏ ngoài của côn trùng và động vật giáp xác, khiến chúng vừa cứng vừa dẻo. Sau đó chất này sẽ kết hợp với cà phê phế thải được thu gom từ các quán cà phê địa phương. Hỗn hợp này được nhuộm bằng cách sử dụng các màu tự nhiên từ than, cà phê hay đất đỏ, để tạo ra nhiều lựa chọn màu sắc khác nhau.

Uyen Tran cho biết: “Sau khi trộn tất cả các thành phần, vật liệu sinh học được đổ vào khuôn, khi đó được làm khô bằng nhiệt độ trong không khí trong hai ngày. Quá trình này không yêu cầu nhiệt, do đó nó tiết kiệm nhiều năng lượng hơn và giảm lượng khí thải carbon.” Điều quan trọng, để tạo hoa văn bề mặt, nhà thiết kế tự làm thủ công bằng đất sét hoặc sử dụng quy trình in 3D. Điều này giúp nhà thiết kế tự tạo hoạ tiết hoa văn trên bề mặt da như da cá sấu, da cá… tuỳ theo yêu cầu. 

vo-tom-1677562559.jpg
 

Từ nay, vỏ tôm đã được coi là "vật liệu tái chế"

Uyen Tran lý giải: “Vật liệu sinh học Tômtex tái chế có hiệu suất và chất lượng cao giống như vật liệu ban đầu, vì vậy nó tối đa hóa vòng đời của sản phẩm đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, tôi không tin vào việc thiết kế một thứ gì đó tồn tại mãi mãi. Nếu Tômtex được đưa vào bãi rác, nó sẽ tự phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vài tháng và có thể hoạt động như một loại phân bón cho cây trồng.”./.

 

Văn Vũ