Nhiều hộ dân ở Bình Phước và Tây Nguyên ồ ạt trồng sầu riêng

Theo Cục thống kê tỉnh Bình Phước, tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng cây sầu riêng đạt 4.802 ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021. Trong khi đó, diện tích cây tiêu và cà phê giảm mạnh. Người dân ở Bình Phước đang có xu hướng chặt bỏ cây tiêu, cà phê để trồng sầu riêng.

Vừa qua, Trung Quốc đã cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 300ha cho các nhà vườn ở tỉnh Bình Phước, gồm: Hợp tác xã Phương Nghĩa (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập); Hợp tác xã Nông Thành Phát (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng); Hợp tác xã Bàu Nghé (xã Phước Tín, thị xã Phước Long); Hợp tác xã Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản) và Công ty Quốc Khánh (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng). Ngoài ra, còn có 11 đơn vị khác ở Bình Phước đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký để cấp mã số vùng trồng sầu riêng.

Được đánh giá là một trong những loại cây trồng cho lợi nhuận kinh tế cao, vì vậy nhiều người dân tại Bình Phước đã dần phá bỏ cây tiêu, cà phê để trồng sầu riêng. Do đó, năm 2022, diện tích cây tiêu giảm 1.144 ha, cà phê giảm 604 ha so với năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng cây ăn quả các loại trên địa bàn Bình Phước có 13.901 ha, trong đó sầu riêng chiếm 4.802 ha, tăng 28,4% so với năm 2021, còn lại là cam, quýt, xoài. Trong số 4.802 ha có khoảng 2.289 ha đã cho sản phẩm, năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha. Năm 2022, sản lượng sầu riêng đạt 21.804 tấn, tăng 6.189 tấn so với năm 2021.

Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố phía Nam về việc phát triển bền vững cây sầu riêng. Công văn được ban hành trong bối cảnh diện tích trồng cây sầu riêng đang tăng nhanh. Nếu diện tích trồng sầu riêng tăng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt quá cầu, khi đó, chính nông dân là người chịu thiệt hại nặng nề.

dsc02514-jpg-1943-1676856883-1-4539-7837-1677001155-1677424442.jpg

Ồ ạt trồng sầu riêng sẽ kéo theo hệ lụy mất cân bằng cung-cầu, có thể dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá". Ảnh minh họa.

Đổ xô trồng sầu riêng ở Tây Nguyên

Khi thấy lợi nhuận cao từ cây sầu riêng đem lại, ông Bùi Văn Hải ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã không ngần ngại phá bỏ hơn 7 sào cà phê của gia đình để trồng sầu riêng. Dù phải hơn 3 năm nữa cây sầu riêng mới cho thu hoạch nhưng ông Hải vẫn kỳ vọng rất lớn vào loại cây trồng này. Theo ông Hải: ''Sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch nên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân''.

Mặc dù, lo ngại sẽ khó tìm được đầu ra trong thời gian tới, tuy nhiên nhiều hộ dân ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vì chạy theo giá cả thị trường. Tại huyện Krông Pắk - địa phương trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với khoảng 5.000 ha, trước thực trạng gia tăng diện tích sầu riêng quá nhanh, ngành nông nghiệp địa phương này đã khuyến cáo bà con nên tuân thủ quy hoạch, nếu phát triển thì nên trồng xen canh cà phê để tránh hệ lụy xấu.

Hiện nay, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000 ha. Với diện tích này, sản lượng và số lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên đều đã vượt quy hoạch đề ra. Nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra trong thời gian tới.

Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha. Nhưng con số này hiện đã lên hơn 80.000 ha và còn tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nếu không sớm siết chặt sầu riêng sẽ là cây tiếp theo chịu hê lụy của tình trạng trồng - chặt. Bởi hiện cũng mới chỉ có 20% sản lượng được vào thị trường Trung Quốc và đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được Trung Quốc xem xét cấp mã số vùng trồng.

Thi Nguyên (t/h)