Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên chủ động phòng chống hạn mùa khô

Thời điểm này tỉnh Lâm Đồng và nói chung các tỉnh Tây Nguyên, chính thức bước vào mùa khô. Đảm bảo nước tưới cho cà phê là công việc quan trọng, được nông dân, ngành nông nghiệp các địa phương đặc biệt quan tâm, để vừa đảm bảo cây sinh trưởng phát triển, vừa sẵn sàng nước tưới cho giai đoạn khô hạn cao điểm sắp tới.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích trên 170.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và Bảo Lâm. Để đảm bảo đem lại hiệu quả sản xuất, nông dân và chính quyền địa phương nơi đây đang triển khai các phương án phòng chống hạn.

Những ngày qua, gia đình chị Hoàng Thị Duyên, ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) luôn dành nhiều thời gian chăm sóc, điều tiết nước tưới hợp lý từ hồ chứa nhỏ để đảm bảo vườn cà phê ra hoa, đậu quả, sinh trưởng và phát triển tốt.

Chị Duyên cho biết: “Thời điểm này là quan trọng nhất nên bắt buộc phải chăm sóc phân tro, tưới nước cho cây mới đảm bảo ra hoa và đậu quả, cây sinh trưởng tốt. Mùa màng được nhiều hơn thì giúp gia đình thu nhập tăng cao hơn, cuộc sống phấn khởi hơn”.

4-chot-1552832856896691516429-1677167659.jpg

Tưới nước hợp lý để tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước. Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Bá Yêu, Phó trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lâm Hà thông tin, hiện đang là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê 2023-2024. Mặt khác, thời tiết trên địa bàn bắt đầu có dấu hiệu khô hanh, nắng nóng, báo trước giai đoạn khô hạn cao điểm đang tới gần, nên công tác phòng chống hạn càng được đơn vị đẩy mạnh.

“Đang chỉ đạo điều tiết tốt các nguồn nước tưới theo kế hoạch phòng chống hạn hán của huyện. Hiện đã tích trữ được nước tưới tại các hồ đập, công trình thủy lợi và các ao hồ nhỏ trên địa bàn để đảm bảo phục vụ nguồn nước tưới một cách tốt nhất”, ông Vũ Bá Yêu nói.

Tiết kiệm nước để chống hạn cho cây trồng

Trong những tháng đầu năm 2023, việc sản xuất của người dân huyện Sa Thầy diễn ra thuận lợi bởi mùa mưa kết thúc muộn. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, thời tiết sẽ khô hanh, ít mưa nên tình hình khô hạn có thể xảy ra. Dự báo diện tích lúa nước có khả năng bị hạn trên địa bàn huyện là khoảng 58ha.

Được biết, tại huyện Sa Thầy, tỉnh KonTum hiện có 27.308ha cây trồng các loại (gồm 1.895ha lúa, 2.882,8ha cà phê, 1.226ha cây ăn quả, 170,6ha rau màu và các loại cây trồng khác). Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện chỉ có 33 công trình hồ đập thủy lợi, mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tưới cho cây trồng mỗi năm; còn lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước tự nhiện tại các khe, suối, ao, hồ và giếng do người dân tự đào.

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, huyện đã lên phương án điều tiết nước hợp lý, phù hợp, tập trung nguồn nước cho diện tích cà phê, tiêu, cây ăn quả. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm trong sản xuất và tuyên truyền, vận động người dân tại những vùng có nguy cơ thiếu nước và hạn hán chuyển đổi sang trồng một số cây có khả năng chịu hạn cao.

Để chủ động phòng, chống hạn hiệu quả, huyện Sa Thầy còn thường xuyên theo dõi mực nước các hồ chứa để có biện pháp điều tiết nước hợp lý và tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đã được hỗ trợ máy bơm vào các năm trước tổ chức kiểm tra, khắc phục, sửa chữa để chủ động trong công tác phòng, chống hạn.

nguoi-trong-ca-phe-o-lam-dong-chu-dong-phong-chong-han-2-1677167659.jpg

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên chủ động phòng chống hạn mùa khô. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với báo chí, ông Giả Tấn Đạt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Để đảm bảo duy trì sản xuất hiệu quả, chúng tôi tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa nước vụ Đông Xuân 2022 - 2023 thường xuyên bị khô hạn, không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác để tránh thiệt hại.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân hiểu được mục đích, yêu cầu và chủ động trong việc phòng, chống hạn để giảm thiệt hại khi hạn hán xảy ra. Đề nghị người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực đoạn cuối kênh, ông Đạt thông tin.

Tìm hiểu thực tế tại xã Ya Xiêr, Ya Ly, để phòng, chống hạn cho cây trồng, người dân cũng đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn bằng cách đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để tránh lãng phí nguồn nước. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 50 cây sầu riêng và 15 cây ăn quả như mít, xoài, chôm chôm, ổi... (trên diện tích 3 sào), ông A Gíu (làng Chứ, xã Ya Ly) đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Ông A Gíu cho biết, "nếu tưới nước theo kiểu truyền thống phải mất một ngày mới hoàn thành cho diện tích hơn 3 sào đất của gia đình. Không những thế tưới theo kiểu truyền thống thì không chỉ lãng phí nguồn nước mà còn không hiệu quả nên tôi đã đầu tư 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Toàn hệ thống được lắp đặt dưới lòng đất và dẫn qua các gốc cây, mỗi gốc cây được thiết kế một van phun nước tự động, khoảng cách giữa các van là 4m. Chỉ cần bật công tắc, nguồn nước sẽ được đưa đến từng gốc cây".

Ông Nguyễn Văn Niệm, chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết: "Việc vận động người dân thực hiện tiết kiệm nguồn nước bằng cách đầu tư hệ thống tưới nước tự động không chỉ giảm được thời gian công sức mà còn giúp tiết kiệm 80% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Điều đó sẽ giúp giảm được thiệt hại khi xảy ra hạn hán".

Thi Nguyên (t/h)