Những khuyến nghị nhằm giữ vững và nâng cao uy tín cho các sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ

Các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc có vai trò quan trọng đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Để giữ vững và nâng tầm thương hiệu sản phẩm, các Tham tán Thương mại của nước ta tại các thị trường đã đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng nông, thủy sản thế mạnh vừa được tổ chức tại Cà Mau, Tham tán Thương mại của nước ta ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã khuyến nghị về: xây dựng, bảo vệ thương hiệu; tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh và đảm bảo, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Đây là những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài; cũng như giữ vững và nâng cao uy tín cho các sản phẩm xuất khẩu.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-3-1732176524.jpg
Quang cảnh hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024 tỉnh Cà Mau.

Thông tin tại Hội nghị, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 646 tỷ USD, tăng 15,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 335 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ USD/năm.

Hiện tại các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau đã và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 10 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại hội nghị, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Ấn độ, Trung Quốc đánh giá cao lợi thế, tìm năng các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau, đồng thời lưu ý địa phương một số vấn đề trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-7-1732176506.jpg
Nhật Bản là thị trường uy tín, khi đã vào được Nhật sẽ có cơ hội rất lớn để xuất vào những thị trường khó tính hơn là EU và Mỹ.(Ảnh minh họa)

Giữ vững thị trường Nhật sẽ có cơ hội rất lớn để vào thị trường EU và Mỹ

Thông tin tại Hội nghị, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại tại Nhật Bản cho biết, thị trường Nhật Bản có nhu cầu lớn về hàng nông lâm thủy sản và hàng tiêu dùng của Việt Nam. Riêng mặt hàng nông lâm thủy sản xuất sang Nhật năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó thủy hải sản chiếm hơn 1,5 tỷ USD. Các loại mặt hàng này chủ yếu là xuất thô nên giá trị chưa cao.

Sản phẩm của Việt Nam ở Nhật Bản đang phục vụ nhu cầu của khoảng 10 triệu dân châu Á, trong khi “Đất nước mặt trời mọc” đang có tới 120 triệu dân. Về thuế, mặt hàng nông lâm thủy sản của nước ta được ưu đãi hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhật Bản là thị trường uy tín, khi đã vào được Nhật sẽ có cơ hội rất lớn để xuất vào những thị trường khó tính hơn là EU và Mỹ. Cái khó là Nhật Bản rất chú trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát các dư lượng rất nghiêm ngặt. Còn nuôi trồng thủy sản trong nước vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình nuôi là chủ yếu nên doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-5-1732176600.jpg
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại tại Nhật Bản lưu ý, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt các dư lượng chất mới xuất khẩu được vào Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh dẫn chứng việc, một doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Nhật khi kiểm tra dư lượng chất phóng xạ đã bị tuýt còi. Thương vụ can thiệp thì phía nước bạn yêu cầu trong 2 năm phải khắc phục, nếu không các mặt hàng này có nguy cơ bị tăng thuế, cũng như tăng cường kiểm soát.

Theo ông Minh: "Các sản phẩm phải ổn định chất lượng; quy trình sản xuất, chế biển cần đồng bộ; ổn định về giá cả cũng rất quan trọng. Lạm phát ở Nhật rất thấp, giá cả không tăng đột biến. Một vấn đề khác là đồng Yên đang mất giá so với đồng đô la dẫn đến sản phẩm nhập khẩu tăng giá, giá thành bán lẻ cũng tăng khá cao. Doanh nghiệp cần lưu ý đàm phán giá cả sao để có thể ổn định giá cả trong hợp tác với phía Nhật Bản, đảm bảo được lâu dài".

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ cho biết, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng rất nhanh. Xã hội Ấn Độ có 4 tầng lớp, các mặt hàng xuất khẩu nên tập trung vào giới siêu giàu, bởi tầng lớp này tiêu dùng hoàn toàn khác biệt, họ chuộng hàng nhập khẩu có chất lượng cao. Tuy nhiên, cần tránh việc tận dụng lợi thế để xuất khẩu nhưng lại không biết bảo vệ lợi thế.

Một câu chuyện cụ thể được nêu ra về xuất khẩu mặt hàng hương (nhang). Mặt hàng hương của nước ta từng chiếm khoảng 90% thị phần xuất khẩu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, lợi thế đó dần bị đánh mất, bởi một số doanh nghiệp đã chuyển giao công nghệ để họ tự sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước còn không đoàn kết, thời điểm đầu giá hương xuất khẩu 1.300 USD/tấn; cạnh tranh, hạ giá đến mức dưới giá thành là 800 USD/tấn. Cơ quan chức năng nước bạn thấy ngay dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh nên cấm nhập hương Việt Nam. Bộ Công thương phải can thiệp thì cho nhập khẩu lại với nhiều điều kiện ràng buộc, các doanh nghiệp đã tự làm khó mình.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-4-1732176634.jpg
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ phát biểu thảo luận.

Ông Bùi Trung Thướng ví tiềm năng xuất khẩu của Cà Mau là “kim cương”, nhất là trong xuất khẩu tôm. Thực tế, Ấn Độ đang cung cấp rất nhiều tôm cho Cà Mau chế biến, xuất khẩu. Việc cần làm là phải gắn mã số cho “kim cương” để khẳng định thương hiệu. Vấn đề còn lại là đừng tự đánh mắt lợi thế.

"Ấn Độ rất mong muốn học được các công nghệ chế biến của Việt Nam. Tại sao Ấn Độ cung cấp nguyên liệu tôm cho Cà Mau chế biến và xuất khẩu rất nhiều và mang lại giá trị gia tăng lớn hơn? Gần đây nước bạn mong muốn nước ta chuyển giao công nghệ chế biến. Hương là một bài học đau xót, cần tránh xảy ra những sự việc tương tự. Tại Ấn Độ, có chính sách bảo vệ rất nghiêm ngặt cho những phát minh, sáng chế. Đặc biệt là công nghệ có đầu tư của nhà nước, không bao giờ được xuất khẩu, chuyển giao" - ông Thướng cho biết thêm.

Doanh nghiệp Việt Nam nên học doanh nghiệp Hàn Quốc ở cách làm thương hiệu

Ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại tại Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên học doanh nghiệp Hàn Quốc ở cách làm thương hiệu. Thực tế, Hàn Quốc là nước có ít tiềm năng để phát triển nhưng lại rất biết cách xây dựng và phát triển thương hiệu để có được những thương hiệu quốc tế. Cà Mau là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về con cua, tôm thì tại sao chưa phát triển được?

Đăng ký chỉ dẫn địa lý và sở hữu trí tuệ là điều đầu tiên cần làm để giúp bảo vệ thương hiệu, đảm bảo thành công dài hạn. Tiếp theo là truy xuất nguồn gốc. Còn vấn đề lan tỏa sản phẩm, tạo cú hích lớn để tạo ra thương hiệu thì cần có những người nổi tiếng, có uy tín về, tham gia những chương trình, lễ hội gắn với tôm, cua Cà Mau.

Theo ông Phạm Khắc Tuyên, cần bỏ đi tư duy bán những thứ mình có và chế biến sản phẩm rất có giá trị nhưng không tạo ra được giá trị. Cần bứt khỏi suy nghĩ thông thường để tạo đột phá.

"Chúng ta cần thoát khỏi những suy nghĩ thông thường mới tạo ra được giá trị mới. Việc Hàn Quốc có những sản phẩm hay nội dung, gần nhất là những sản phẩm Văn học đạt giải Nobel có nghĩa là họ đã dứt ra được khỏi khuông mẫu thông thường và tạo ra được giá trị mới. Các bạn đó cũng sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công thương và tỉnh Cà Mau để tìm ra hướng đi mới, tạo ra sản phẩm mới đặc trưng, làm sao chúng ta có thể bán ở toàn cầu" - ông Tuyên nhấn mạnh.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-6-1732176677.jpg
Ông Phạm Khắc Tuyên - Tham tán Thương mại tại Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần học Hàn Quốc ở cách làm thương hiệu.

Tham tán Thương mại của nước ta ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã khuyến nghị về: xây dựng, bảo vệ thương hiệu; tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh và đảm bảo, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Đây là những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài; cũng như giữ vững và nâng cao uy tín cho các sản phẩm xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau tiếp tục hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; hỗ trợ phương thức mua bán, các điều kiện bảo đảm trong quá trình hợp tác kinh doanh…, để các sản phẩm nông, thủy sản Cà Mau có thêm nhiều đầu ra ổn định.

xuat-khau-nong-san-sang-nhat-ban-han-quoc-1-1732176556.jpg
Xuất khẩu Thủy sản đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, cho biết, thời gian tới Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và các doanh nghiệp của Cà Mau trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.

Từ những nguồn lực, tiềm năng đã có, nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững giai đoạn 2026-2029, tỉnh Cà Mau vừa có quyết định đầu tư Dự án phát triển thủy sản bền vững với quy mô 100 ha, dự kiến triển khai tại 4 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển. Tổng mức đầu tư dự án là 536 tỷ đồng. Việc đầu tư dự án này nhằm thực hiện mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất./.

Bình Nguyên