Doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đơn hàng giữa những khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động

Theo thông tin từ các doanh nghiệp dệt may, trái ngược với thời điểm giữa năm với lượng đơn hàng dồi dào thì hiện nay, vào thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, đặc biệt là doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.

Ngành dệt may đang trong trạng thái "đói đơn hàng"

Hiện nay, doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, triển vọng đơn hàng quý 4 năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Thực tế số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 năm nay thấp hơn 25-50% so với quý II, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp phải theo dõi rất sát tình hình, lựa chọn những đơn hàng phù hợp để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề thứ hai, trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều việc mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thời gian triển khai những chương trình mà các thị trường yêu cầu như chuyển đổi xanh hóa, đặc biệt về số hóa, bởi vì đây là xu hướng tất yếu không thể tránh được".

"Ngoài ra, chúng ta cũng liên kết với nhau để có thể chia sẻ đơn hàng, kinh nghiệm rất là cụ thể trong thời gian dịch thì rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ đơn hàng để giữ chân khách hàng và đảm bảo vẫn phát triển”, vị này cho biết thêm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex cho biết: “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, so tương quan xuất khẩu với các nước thì các ngành xuất khẩu Việt Nam lại mất lợi thế về giá trong điều kiện cầu thế giới chuyển thấp đột ngột. Chính vì vậy, chúng tôi thống nhất cao dự báo tháng cuối năm 2022 và xu hướng năm 2023 thị trường khá trầm lắng”.

10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp đang đẩy nhanh chuyển đổi, phát triển quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, năm 2022 mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra dự báo, vượt qua thách thức khó khăn đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD.

3600-det-may-jpg567987697897-1669109256.jpg
Ảnh minh họa.

Tìm kiếm các đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động

Tình trạng các nhà máy thiếu đơn hàng đã diễn ra vài tháng nay, người lao động gặp nhiều khó khăn do không có việc làm đầy đủ, thu nhập giảm sút. Mỗi lần về quê, anh H. (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đều tranh thủ mang sản vật "cây nhà lá vườn" lên phố để kiếm thêm chút ít thu nhập. Hơn một tháng nay, nhà máy thiếu đơn hàng, phần lớn thu nhập từ tăng ca bị cắt giảm, những công nhân như anh H. phải xoay xở bằng nhiều cách.

Thay vì nghỉ ngơi, sau tan ca, nhiều người giờ lại tranh thủ tìm kiếm cho mình một công việc mới. Dù vậy, họ cũng chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày.

Không chỉ ngành điện tử gặp khó, nửa cuối năm cũng là giai đoạn khó khăn của nhiều doanh nghiệp dệt may. Một số nhà máy không có đơn hàng để làm buộc phải tính toán lại phương án sắp xếp lao động phù hợp như cho công nhân nghỉ thứ 7 hay nghỉ phép.

Những năm trước, người lao động ở Công ty Giầy Hồng Bảo Đông Anh, Hà Nội làm không hết việc. Năm nay, tất cả chỉ đi làm theo giờ hành chính và thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ khi thu nhập trước đây từ 9-12 triệu/tháng.

Lâu nay, những ngành công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, gỗ chủ yếu dựa vào sức lao động, gia công là chính. Do đó, khi thị trường thế giới biến động thì rõ ràng cũng là lúc hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng.

Tình trạng cắt giảm lao động hàng loạt như ở công ty Samho vừa qua chỉ là thiểu số. Dù thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng không sa thải công nhân bằng cách cho làm việc luân phiên, nghỉ hết phép năm nay và ứng phép năm 2023.

Được biết, có 2.800 công nhân, Công ty giầy Hồng Bảo, Đông Anh dùng quỹ dự phòng để trả lương cho người lao động. Thu nhập mỗi công nhân giảm từ 1-2 triệu đồng/tháng nhưng bù lại họ vẫn giữ được việc làm. Công ty còn dự định vẫn thưởng Tết như năm ngoái.

San sẻ việc làm là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân người lao động. Người lao động được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập để duy trì cuộc sống. Dù còn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khẳng định họ sẽ tìm kiếm các đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động nhất là những tháng cuối năm này.

Theo thông tin từ ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ duy trì 30-50% công suất so với trước. Để giảm gánh nặng chi phí, phần lớn doanh nghiệp không tăng ca, nghỉ ngày thứ 7 hoặc 1 tuần làm 3 ngày. Nhưng không có chuyện doanh nghiệp cắt giảm lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến quý I/2023 nên vẫn duy trì được việc làm cho người lao động. Sẽ không có hiện tượng sa thải đồng loạt hay không có thưởng Tết. Việt Nam vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều công ty mới đang được xây dựng nên chuyện thiếu đơn hàng sẽ được giải quyết sớm.

Gần 625 nghìn lao động thiếu - mất việc làm

Thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy có đến gần 625 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 31 nghìn lao động bị chấm dứt hợp động, khoảng 30 nghìn lao động đang tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương chờ việc, số còn lại chỉ thiếu việc làm. Tình trạng thiếu việc làm xảy ra trên diện rộng nhưng số công ty cắt giảm lao động rất ít.

Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, người lao động và người sử dụng lao động cần đồng lòng để vượt qua khó khăn.

Thi Nguyên (t/h)