TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do thiếu đơn hàng

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang phải thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, nhân công do đơn hàng bị cắt giảm. Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn này có thể kéo dài sang năm 2023.

Từ cuối tháng 9 đến nay, do hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn nên đơn hàng của Công ty Đức Minh - Sài Gòn cũng giảm gần một nửa so với trước.

Được biết, trước đó trung bình mỗi tháng Công ty Đức Minh - Sài Gòn xuất khẩu 4 container sản phẩm cao su kỹ thuật sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên gần đây đơn hàng đã giảm đáng kể. Đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn ít nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 200 lao động.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp vẫn giữ lao động, một số khâu thì chỉ cho lao động làm 5 ngày, khâu nào không cần thiết thì không làm thêm giờ, nhưng vẫn giữ lao động, không giảm lao động vì giảm thì mai mốt rất khó tuyển được lao động mới.

ld-1667787762.jpg
Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất. (Ảnh: NLĐ)

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm từ cuối quý 3. Đáng lo lắng hơn là đến quý 4 rất ít doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho quý 1, quý 2 năm sau.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM cho hay, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, nhất là Mỹ và châu Âu là thị trường lớn nhất. Giải pháp của doanh nghiệp là giảm số giờ làm và bố trí luân phiên làm việc, có thể người này bộ phận này làm việc tuần này thì tuần sau ngưng bộ phận khác làm, làm sao để người lao động luôn luôn có việc làm, có thu nhập.

Theo ghi nhận, hiện có nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang cắt giảm lao động như: Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân; Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi); hay 51 doanh nghiệp trong khu Chế xuất và Khu Công nghiệp giảm đơn hàng khiến hàng nghìn công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tại Công ty TNHH Tỷ Hùng - doanh nghiệp (DN) sản xuất giày da xuất khẩu - tại Q.Bình Tân (TP.HCM) đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động trong tổng số 1.822 lao động hiện có.

Thông báo nêu rõ do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Tương tự, Công ty TNHH Việt Nam Samho (H.Củ Chi, TP.HCM) cũng là đơn vị trong ngành giày gửi đơn thông báo đến Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về phương án cắt giảm 1.400 lao động cũng với lý do đơn hàng bị sụt giảm.

Dù chưa đến mức phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc hàng loạt nhưng Công ty TNHH gỗ Lee Fu (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thông tin do không có đơn hàng nên hiện nay DN đang sản xuất cầm chừng, công nhân phải nghỉ vào ngày thứ bảy. Vì vậy, phía chủ DN thông báo dự kiến nghỉ tết kéo dài khoảng 1 tháng hoặc đến hơn 1 tháng tùy theo tình hình.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ quý 4 năm nay đến năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn, cả nước và TP.HCM sẽ đối mặt với thách thức này. Suy thoái kinh tế thế giới đã thấy rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ. Điều đó làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí logistics tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng rất cao.

Dự báo trong năm 2023, những vấn đề này vẫn chưa thể chấm dứt. Vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu về mọi mặt từ nhân sự đến tài chính, quản trị rủi ro và bám sát diễn biến vĩ mô để thích ứng. Dự báo tình hình các DN co cụm, cắt giảm lao động có thể còn diễn ra trong vài tháng tới.

Đơn hàng xuất khẩu giảm, doanh nghiệp đang thu hẹp dần sản xuất. Hiện nay, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm, giãn giờ làm, ngày làm để giữ lao động, doanh nghiệp cũng rất mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế để doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Hoàng Hà (t/h)