Quảng cáo #128

Định vị vai trò của truyền thông trong phát triển bền vững của doanh nghiệp

Doanh nghiệp của Việt Nam nói chung chủ yếu là nhỏ và vừa, hầu hết đều khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong phát triển xanh. Để kết nối đáp ứng nhu cầu thông tin phát triển xanh, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí truyền thông.

Tại Hội thảo Chuyên đề "Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững" nhiều ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan Báo chí… đã mang đến góc nhìn mới, toàn diện, có tính chiến lược về vai trò của truyền thông trong phát triển bền vững.

truyen-thong-tang-truong-xanh-5-1730989671.jpg
Truyền thông kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng về tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp luôn thiếu những thông tin trong kinh tế xanh

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, luôn thiếu những thông tin về chính sách, mô hình, cách làm trong kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh để có thể định hướng, áp dụng vào sản xuất kinh doanh của mình.

Trong khi đó, các ngành chức năng liên tục có những chính sách hỗ trợ, cụ thể hóa quy định liên quan đến phát triển xanh trong nước và các yêu cầu từ thị trường nước ngoài.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực kinh tế, có chiến lược dài hạn đã thực hiện phát triển xanh từ khá sớm và chứng minh được hiệu quả cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ TN&MT) đã hệ thống hóa bức tranh toàn cảnh về chính sách Phát triển bền vững hướng tới Net zero Carbon của Chính Phủ Việt Nam và những quy định mới nhất của quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu mà Việt Nam cần phải tuân thủ.

truyen-thong-tang-truong-xanh-1-1730989755.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng hành tinh gồm: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và suy giảm đa dạng sinh học. Các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản có tác động tích cực đến môi trường, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tự nguyện và bắt buộc về ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị). Sau Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0.

"Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi bao trùm là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực xanh, nhằm hướng đến phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 theo thỏa thuận tại COP26", TS Nguyễn Đình Thọ cho biết thêm.

truyen-thong-tang-truong-xanh-2-1730989803.jpg
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành PRO VN.

Đánh giá về vai trò của truyền thông đối với việc định hướng, góp phần thay đổi nhận thức về phát triển bền vững, bà Chu Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, PRO Việt Nam đã xác định một trong các chiến lược ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm đầu tiên là truyền thông để tăng cường nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền và giáo dục.

"Chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi nhận thức rõ rệt trong những năm gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng dân cư về EPR, sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông. Nhờ các cơ quan truyền thông, PRO Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp biết đến và tin tưởng đồng hành cùng chúng tôi"- bà Chu Kim Thanh khẳng định vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng.

Truyền thông kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng về tăng trưởng xanh

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may cần thông qua báo chí để phản ánh nhu cầu của ngành đối với nhà nước. Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh, tiếp cận tín dụng cho dự án đầu tư xanh…

Theo ông Tuấn, truyền thông chính là kênh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để họ tham gia vào phát triển xanh. Ví dụ như, trong dệt may nhà thiết kế có ý thức sử dụng nguyên phụ liệu ít ảnh hưởng môi trường thì cũng cần truyền thông tác động vào thị hiếu tiêu dùng để thị trường chấp nhận.

Nói về vai trò của báo chí, truyền thông trong lĩnh vực dệt may, ông Tuấn cho rằng cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho doanh nghiệp; Kêu gọi các nhà đầu tư vào công nghệ xanh; Phản ánh kịp thời những kết quả đạt được của ngành…

truyen-thong-tang-truong-xanh-3-1730989834.jpg
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Doanh nghiệp Dệt May, Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS).

Ông Tuấn cho rằng: "Truyền thông là kênh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp đang gánh một trách nhiệm rất lớn là thực hiện cam kết của nhà nước, của Chính phủ về Net Zero. Để làm được việc này, bản thân doanh nghiệp không thì chưa đủ mà cần có sự chung tay, sự hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ. Đồng thời, qua truyền thông, làm sao để người tiêu dùng cũng thấy được trách nhiệm của mình trong phát triển xanh."

Bà Chu Thị Kim Thanh cũng chỉ ra rằng, vẫn còn khoảng cách giữa nhận thức và hành vi. Chuyển đổi xanh, sản xuất xanh vẫn được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm đa số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam) coi là cuộc chơi của các “ông lớn” và họ chưa thấy cần thiết phải đầu tư vào sự chuyển đổi này. Hoặc việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) vẫn được đa số các doanh nghiệp coi là một gánh nặng chi phí và chỉ làm khi bắt buộc.

Theo bà Thanh cách đây 5 năm thì khái niệm về phát triển xanh chưa phổ biến. Đến bây giờ, tuy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1 triệu doanh nghiệp thì cũng còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được, nhưng chúng ta sẽ lan toản dần và được như bây giờ là nhờ rất nhiều vào báo chí. Chiến lược ưu tiên của PRO Việt Nam từ những năm đầu thành lập là truyền thông để cộng đồng hiểu hơn, doanh nghiệp chung tay vào và đó không chỉ là việc của riêng doanh nghiệp mà là của cộng đồng.

Để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay việc thực thi trách nhiệm trong phát triển xanh là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai, là cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông. Trong đó có việc khai thác và truyền tải các chính sách của Nhà nước và ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong phát triển xanh.

truyen-thong-tang-truong-xanh-6-1730989934.jpg
Ông Mai Ngọc Phước - TBT Báo Pháp luật TPHCM.

Tại Hội thảo, ông Mai Ngọc Phước - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng tới Net Zero (Green Media Hub), Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM cho rằng, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và lãnh đạo doanh nghiệp trong truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững là mối quan hệ Win - Win. Bởi báo chí nói chung có công cụ truyền thông hiệu quả và kịp thời nhất, có cách thức truyền thông đa đạng.

Theo ông Mai Ngọc Phước, báo chí thông qua hoạt động tác nghiệp, có thể phần nào nắm bắt được nhu cầu của khách hàng mà các doanh nghiệp về phát triển bền vững đang hướng tới để đạt hiệu quả cao. Ngược lại việc doanh nghiệp tự thân chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là nguồn cảm hứng cho cơ quan báo chí, khơi gợi trách nhiệm xã hội vốn là sứ mệnh của báo chí, từ đó giúp nhiều thông điệp truyền thông có ý nghĩa đến với độc giả và xã hội./.

Trọng Bình