Báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp

Trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.
dien-dan-bao-chi-dnktx4-at-1729747535.jpg
Ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Nội dung trên được ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh tại Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024", ngày 24/10.

Quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ gắn bó

Theo ông Lê Quốc Minh đánh giá: Trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

dien-dan-bao-chi-dnktx-at-1729747517.jpg
Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng tổ chức.

Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.

Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Tầm quan trọng của báo chí đối sự phát triển của doanh nghiệp

dien-dan-bao-chi-dnktx2-1729747992.jpg
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí đối với sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp.

Theo đó, báo chí đóng vai trò thiết yếu như nguồn cung cấp thông tin về thị trường, tình hình đầu tư, các xu hướng kinh tế và dự báo kinh tế vĩ mô. Nhất là trong bối cảnh thông tin trở thành "đầu vào" quan trọng đối với doanh nghiệp, khi các sự kiện diễn ra nhanh chóng, bất ngờ và khó đoán định.

Báo chí không chỉ là kênh để phản ánh hoạt động kinh doanh, thành tựu và khó khăn của doanh nghiệp mà còn là nơi cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, báo chí còn đóng vai trò như một cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác, góp phần thúc đẩy sự vận động các nguồn lực quan trọng như vốn, lao động và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.

dien-dan-bao-chi-dnktx3-at-1729748039.jpg
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các đại biểu, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo ông Tuấn, thông tin báo chí có thể tăng cường nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn, đồng thời mở rộng tệp khách hàng mới. Báo chí còn giúp doanh nghiệp nắm bắt các ý tưởng kinh doanh, cơ hội mới cũng như các chính sách của Nhà nước về xanh hóa, số hóa và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Thông tin tích cực từ báo chí có thể củng cố niềm tin của khách hàng và đối tác đối với doanh nghiệp, đồng thời tạo áp lực lên các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, chân chính.

Đặc biệt, thông qua báo chí, doanh nghiệp cũng có cơ hội đưa ra các quyết định sáng suốt về chiến lược, hoạt động và đầu tư, phản ánh được ý kiến và kiến nghị của mình đến Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

“Đơn cử như, về vấn đề an toàn thực phẩm, sau khi báo chí đưa vụ việc sử dụng phụ gia độc hại trong sản xuất bún phở, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã phải làm bài bản hơn như công khai quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng, xin chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, sau vụ Formosa xả thải, các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chuyển đổi công nghệ sạch, định kỳ công bố báo cáo môi trường, mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường...”, ông Tuấn nêu ví dụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, báo chí cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực nếu đưa tin không chính xác hoặc một chiều. Những thông tin sai lệch có thể làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, gây mất niềm tin từ phía khách hàng, đối tác và dẫn đến sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Các thông tin tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, làm khó khăn hơn trong việc huy động vốn và thu hút nhân tài.

Để báo chí phát huy tốt vai trò của mình, theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, tính trung thực và khách quan trong việc đưa tin cần được đề cao. Nhà báo cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin từ nhiều nguồn trước khi công bố. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao trình độ chuyên môn của các phóng viên, đảm bảo họ hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường. Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện, và luôn cho doanh nghiệp cơ hội phản hồi trước khi kết luận.

“Về phía quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về báo chí, ban hành các quy định rõ ràng để xử lý vi phạm. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát, đánh giá và xử lý kịp thời các sai phạm. Việc thiết lập kênh đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và báo chí cũng là điều cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững”, chuyên gia này nhấn mạnh.

dien-dan-bao-chi-dnktx5-at-1729748136.jpg
Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, dù vẫn là tổ chức non trẻ, tuy nhiên trong quá trình vận động và hoạt động, Hiệp hội luôn nhận thức và xác định vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển cộng đồng các nhà sáng lập doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp đã tạo làn sóng mới mang lại số lượng kỷ lục doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng COVID-19 cùng nhiều tác động khác, số lượng doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng.

Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình này khi các kênh thông tin truyền thông đã tạo nên môi trường kinh doanh trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

“Có thể nói, báo chí và doanh nghiệp có tác động tương hỗ, cộng sinh. Và vai trò của báo chí đang ngày một thúc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp” – ông Đinh Việt Hoà nhấn mạnh./.

Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.

Lực lượng báo chí đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát sóng với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Trần Minh