Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ cho năng suất cao và bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa

Mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” theo quy trình khép kín được thực hiện trong vụ lúa Thu Đông này trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được đánh giá: cho lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, thu nhập, giảm phát thải và bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang cùng một số hợp tác xã canh tác lúa và các doanh nghiệp vừa tổng kết mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” theo quy trình khép kín được thực hiện trong vụ lúa Thu Đông này trên địa bàn tỉnh.

canh-tac-lua-thong-minh-kho-xen-uot-4-1728907733.jpg
Tổng kết mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Quy trình khép kín từ đầu đến cuối, từ làm đất, gieo sạ và chăm sóc

Mô hình do 4 doanh nghiệp cùng nông dân bắt tay thực hiện trong vụ lúa Thu Đông này tại cánh đồng 18ha ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Mô hình được gieo sạ theo quy trình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” (AWD).

Toàn bộ chu trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý bởi vệ tinh của Công ty Spiro Carbon. Bên cạnh đó là cánh đồng lúa đối chứng có quy mô 9 ha. Cả hai cánh đồng đều sử dụng chung giống lúa OM5451.

Ông Trần Minh Tiến- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cho biết: “Chúng tôi đưa ra quy trình khép kín từ đầu đến cuối, từ làm đất, gieo sạ, rồi sau đó quá trình chăm sóc cho cây. Quy trình của chúng tôi cụ thể, chi tiết từng ngày, một người nông dân phải làm một cách nghiêm túc nhất thì họ mới đạt được kết quả cao nhất. Các hộ nông dân hợp tác với chúng tôi thì đến giờ phút này tất cả ruộng thể nghiệm đều thành công. Đối với qui trình này chúng tôi tạo ra được sản lượng lớn, lúa sạch hơn, xanh hơn, giảm chi phí”.

canh-tac-lua-thong-minh-kho-xen-uot-3-1728907768.jpg
Các khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, thu hoạch… đều được cơ giới hóa thay cho sức người.

Sau gần 100 ngày triển khai, mô hình này cho kết quả khả quan. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình đạt hơn 7,4 tấn/ha, tăng hơn 1 tấn/ha so với ruộng đối chứng. Bên cạnh đó, tăng hơn 1,2 tấn/ha so với năng suất lúa bình quân của xã Trường Long Tây.

Về chi phí đầu tư, ruộng trong mô hình giảm được 2,8 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Điển hình, chi phí về lúa giống giảm được 780.000 đồng/ha, phân bón giảm 740.000 đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,3 triệu đồng/ha. Lợi nhuận ròng nông dân thu về từ ruộng mô hình đạt 34,8 triệu đồng/ha, tǎng 11,1 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng, tương đương tăng gần 47%.

Tổng thể, việc ứng dụng quy trình canh tác này đã giúp người dân giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật, 15% lượng phân bón hóa học. Lượng lúa giống sử dụng cũng được kéo giảm từ 120kg/ha xuống còn 80kg/ha. Đặc biệt, từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, thu hoạch… đều được cơ giới hóa thay cho sức người.

“Trục xong máy bay sạ, máy bay bón phân, rồi tới 10-12 ngày vô nước rồi bón phân, rồi tới 20-22 ngày bón phân đợt 3, rồi tới 45 ngày bón đón đòng. Bón phân xịt thuốc, sạ lúa ...bằng máy bay hết. so với canh tác truyền thống chi phí giảm, năng suất thì tăng lên” - ông La Văn Hành người tham gia mô hình này nói.

Năng suất, chất lượng cũng như lúa ngoài đồng ruộng phát triển rất tốt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” theo quy trình khép kín tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A được xem là mô hình hiện đại trong sản xuất lúa hiện nay. Mô hình này không chỉ giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất lúa mà còn góp phần thành công vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai hiện nay.

canh-tac-lua-thong-minh-kho-xen-uot-1-1728907815.jpg
Mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ” tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết: “Vụ Thu Đông này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức triển khai, đến thời điểm này thì các mô hình thí điểm đang tổ chức triển khai khoảng trên dưới 50 ha mô hình.

Bước đầu ghi nhận kết quả rất khả quan, năng suất, chất lượng cũng như lúa ngoài đồng ruộng phát triển rất tốt. Tỉnh Hậu Giang đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 15.910 ha thì ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt ở vụ Đông Xuân tới”.

Được biết, quy trình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ có tổng thời gian giữ ruộng ướt là 47 ngày và 53 ngày khô. Trong đó, nông dân chia thành 4 lần lấy nước vào ruộng và 5 lần xả nước ra. Ở giai đoạn từ 85 ngày sau sạ, bà con xả nước khô tự nhiên, xiết nước 10-14 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, nâng cao phẩm chất gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch.

canh-tac-lua-thong-minh-kho-xen-uot-2-1728907844.jpg
Nông dân phấn khởi trên cánh đồng lúa thực hiện theo mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ”.

Theo phân tích của kỹ sư hướng dẫn mô hình thì lượng khí phát thải ra môi trường bị ảnh hưởng bởi thời gian khô ướt trên ruộng. Nếu quá trình canh tác, thời gian khô kéo dài, lượng khí phát thải sẽ thấp hơn. Trong quá trình thực hiện mô hình, các doanh nghiệp có tham gia sẽ hỗ trợ người dân quan trắc, đo đạc, đánh giá và báo cáo thẩm định lượng giảm phát thải khí nhà kính từ cây lúa; đồng thời chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vệ tinh để theo dõi và chụp ảnh toàn bộ quá trình phát triển của ruộng lúa.

Theo đánh giá, mô hình này đã tạo ra một quy trình trồng lúa thông minh, khép kín từ đơn vị cung cấp vật tư đầu vào, đến việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật, đưa ra các phương pháp quan trắc, đo đạc, báo cáo thẩm định lượng phát thải khí nhà kính, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giảm phát thải, giảm chi phí, tăng sản lượng và tăng lợi nhuận./.

Bình Nguyên