Mô hình canh tác lúa chất lượng cao tại Đồng Tháp được đánh giá cao và tiếp tục hỗ trợ triển khai

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá bước đầu quy trình đã giảm được chi phí sản xuất và đạt được những tín hiệu tích cực trong giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình tại Đồng Tháp sẽ được thực hiện trong 3 vụ liên tiếp gồm Thu Đông 2024, Đông Xuân 2024 – 2025 và Hè Thu 2025.

Ngày 29/8, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

trong-lua-giam-phat-thai-3-1724939352.jpg
Đoàn công tác làm việc và nghe chia sẻ của HTX tham gia vào mô hình.

Mô hình thí điểm tại Đồng Tháp được triển khai tại HTX Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười với diện tích hơn 43 hecta, giống lúa OM18 được sử dụng tại mô hình. Trong quá trình canh tác nông dân áp dụng quy trình sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng cơ giới hóa, số hóa nông nghiệp. Đánh giá bước đầu quy trình đã giảm được chi phí sản xuất và đạt được những tín hiệu tích cực trong giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình tại Đồng Tháp sẽ được thực hiện trong 3 vụ liên tiếp gồm Thu Đông 2024, Đông Xuân 2024 – 2025 và Hè Thu 2025.

Trong chuyến khảo sát mô hình tại Đồng Tháp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mô hình và đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ các điều kiện theo quy định trong triển khai mô hình điểm tại Đồng Tháp.

Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quan tâm, theo dõi xây dựng bộ tài liệu về mô hình để làm cơ sở triển khai tập huấn, nhân rộng; lực lượng khuyến nông địa phương phải cùng tham gia vào mô hình để nắm cụ thể về số liệu, hỗ trợ kịp thời kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân.

Trước đó, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tình hình thực hiện Mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hợp tác xã Thắng Lợi và nghe đại diện Hợp tác xã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai mô hình, tình hình canh tác, liên kết sản xuất.

trong-lua-giam-phat-thai-1-1724939378.jpg
Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khảo sát mô hình tại Đồng Tháp.

Qua chia sẻ của HTX, ông Trần Thanh Nam, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết phấn khởi khi mô hình nhận được sự đồng thuận rất cao từ nông dân, bước đầu đã hình thành được cơ chế liên kết sản xuất và giảm chi phí sản xuất (ước khoảng 30% so với ruộng đối chứng); đồng thời mong muốn Hợp tác xã Thắng Lợi vận động nông dân mở rộng thêm diện tích thực hiện mô hình và xây dựng mô hình mẫu về thủy lợi.

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai tại 12 tỉnh, thành trong vùng. Trước khi nhân rộng đề án, Bộ NN&PTNT đã chọn thí điểm đề án tại 5 địa phương gồm TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh.

trong-lua-giam-phat-thai-4-1724939339.jpg
Hiện tại lúa tại tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn trổ bông, khoảng 1 tháng nữa thu hoạch.

Mới đây mô hình thí điểm tại Cần Thơ đã thu hoạch, qua đánh giá từ mô hình cho thấy hiệu quả khi năng suất tăng, giảm phát thải khí nhà kính, lúa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường. Đặc biệt các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá phương thức canh tác được áp dụng ở những mô hình đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính./.

Bình Nguyên