Lần đầu tiên nông dân được thưởng tiền khi canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Vừa qua, tại Thành phố Cần Thơ đã tiến hành trao thưởng bằng tiền cho các hộ dân tham gia quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Ngành nông nghiệp Cần Thơ trao tiền thưởng cho nông nhằm động viên, khuyến khích nông dân canh tác theo hướng giảm phát thải, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển bền vững 1 triệu ha.
trao-thuong-nong-dan-trong-lua-giam-phat-thai-4-1722511096.jpg
Mô hình trồng lúa giảm phát thải ở Cần Thơ giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận. (Ảnh: Kim Anh)

Lần đầu tiên người dân được nhận tiền thưởng từ canh tác lúa giảm phát thải

Theo đó, Cần Thơ đã khen thưởng bằng tiền cho 38 hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh tham gia quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là lần đầu tiên người dân được nhận tiền thưởng từ canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn Cần Thơ cũng như trong vùng ĐBSCL.

Theo ngành nông nghiệp Cần Thơ với số tiền thưởng hơn 20 triệu đồng nhằm động viên, khích lệ các người dân tham gia canh tác lúa hướng đến sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Dự án do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp IRRI tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác “1 phải, 5 giảm” và giảm phát thải khí nhà kính, tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Theo đó, có 4 hợp tác xã được lựa chọn tham gia thực hiện nghiên cứu, từ tháng 12/2023 đến 4/2024.

trao-thuong-nong-dan-trong-lua-giam-phat-thai-1-1722511159.jpg
Nông dân Cần Thơ được thưởng tiền khi canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết, diện tích canh tác của HTX hiện nay hơn 320 ha với 40 hộ dân tham gia. Khi thực hiện quy trình canh tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế thì lượng giống gieo sạ giảm còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học giảm khoảng 15%, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 20%, và trong canh tác đã giảm 50% lượng nước và đặc biệt khi đưa rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ đã tăng thêm thu nhập cho người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, khi người dân canh tác theo quy trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt và người dân mong muốn tiếp tục thực hiện theo quy trình canh tác để giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Qua đánh giá mỗi 1ha canh tác theo quy trình 1 phải 5 giảm và giảm phát thải khí nhà kính thì người dân tăng thêm lợi nhuận từ 15 – 20% so với canh tác truyền thống.

"Khi chúng tôi được áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm được giống và nhiều thứ khác, đem lại hiệu quả cho các thành viên. Ngày xưa khi chúng tôi làm theo tập quán cũ thì phải ra cánh đồng rất nhiều, nhưng từ khi chúng tôi sạ thưa có thêm thời gian làm những công việc khác, tăng thu nhập cho gia đình", ông Nguyễn Ngọc Huấn chia sẻ.

Kỳ vọng tạo bước đột phá trong sản xuất lúa theo hướng bền vững

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế thực hiện các nội dung nghiên cứu: "Thực trạng sản xuất và mức độ áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính của nông dân. Từ đó đưa ra các khuyến khích về kinh tế cho từng mức độ áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính cho nông dân.” Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bao trùm và có khả năng phục hồi”.

4 hợp tác xã (Khiết Tâm, Quỳnh Phúc, Hiếu Bình và Thịnh Phát) trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã chọn 200 nông dân tham gia thực hiện nghiên cứu từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024 (trong đó, 100 nông dân có diện tích ruộng đối chứng). Hoạt động nghiên cứu bao gồm tập huấn cho 200 nông dân tại 4 hợp tác xã về các kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng bền vững thuộc gói canh tác "1 phải, 5 giảm" và phát thải thấp. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đầu kỳ (vụ Đông Xuân 2022 - 2023) và khảo sát cuối kỳ (vụ Đông Xuân 2023-2024) nhằm so sánh mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và giảm phát thải của nông dân.

Đồng thời, Chi cục Trồng trợ và Bảo vệ thực vật Cần Thơ và IRRI đã giới thiệu đến các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Thạnh và toàn thể nông dân tham gia nghiên cứu về công cụ FarMoRe (công cụ số phục vụ ghi chép dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng bền vững và phát thải thấp).

Tất cả nông dân thuộc nhóm nghiên cứu đã áp dụng "1 phải" (dùng giống xác nhận); hơn 40 nông dân đã giảm lượng giống và phân hóa học so với vụ đầu kỳ; 100% nông dân áp dụng tưới ngập khô xen kẽ và sử dụng máy gặt đập liên hợp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 38% nông dân đã giảm phát thải khí nhà kính so với đầu kỳ, trong đó, 8/100 nông dân có mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha và 30/100 nông dân có mức giảm phát thải dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha. Kết quả giảm phát thải này chủ yếu nhờ vào việc giảm sử dụng phân đạm, giảm đốt rơm, và áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.

trao-thuong-nong-dan-trong-lua-giam-phat-thai-3-1722511218.jpg
Cần Thơ đang tập trung triển khai, nhân rộng đề án chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Ngành nông nghiệp Cần Thơ trao tiền thưởng cho nông nhằm động viên, khuyến khích nông dân canh tác theo hướng giảm phát thải, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển bền vững 1 triệu ha. Mới đây Cần Thơ đã thu hoạch mô hình thí điểm 50 ha triển khai theo đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Đánh giá từ mô hình cho thấy khi năng suất, chất lượng lúa tăng, và đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính, hiện Cần Thơ đang tập trung triển khai, nhân rộng đề án trên địa bàn theo kế hoạch đã cam kết với Bộ NN&PTNT.

TP Cần Thơ là một trong 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đến nay, thành phố đã có 50ha thí điểm vụ thứ 2 (vụ Hè Thu và Thu Đông) sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải được thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục phối hợp các đơn vị, viện trường cùng sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa./.

Bình Nguyên