Tăng năng suất, giảm chi phí cho lợi nhuận kép cho người trồng lúa
Hôm nay (3/7), Hợp tác xã Tân Long ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang phối hợp với Công ty CP Net Zero Carbon và một số doanh nghiệp liên quan, tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” kết hợp đo lường và thu mua báo cáo giảm phát thải.
Mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” được triển khai thực hiện trong vụ lúa Hè thu này, với giống lúa OM 18 trên diện tích 4,2ha, để so sánh với ruộng đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống là 1ha của Hợp tác xã Tân Long. Theo đó, khi thực hiện mô hình, nông dân thực hiện chặt chẽ 9 công đoạn của quy trình canh tác lúa thông minh và được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh của Công ty Spiro Carbon.
Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình đến thời điểm thu hoạch. Qua đánh giá sơ bộ của đơn vị triển khai, mô hình mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho nông dân. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình đạt gần 8 tấn/ha, chi phí đầu tư gần 22 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được hơn 36 triệu đồng/ha; trong khi ruộng đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống thì năng suất lúa chỉ đạt gần 6 tấn/ha, chi phí đầu tư hơn 24,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được gần 20 triệu đồng/ha.
Ngoài tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận, khi thực hiện mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ”, nông dân có thêm nguồn thu nhập từ việc bán chứng chỉ carbon nhờ việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác giảm lượng nước, giảm số lần bón phân và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, về lượng lúa giống sử dụng trong ruộng mô hình chỉ 80kg/ha, còn ruộng đối chứng đến 120kg/ha.
Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, thông tin: Quy trình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ đã được triển khai thành công tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Mô hình tiếp tục được mở rộng tại một số địa phương vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang… Với mong muốn tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất cho nông dân, mô hình tại tỉnh Đồng Tháp đã cho thấy được điều đó khi vừa hoàn thành thu hoạch với kết quả khả quan. Cụ thể, năng suất lúa trong mô hình đạt 8,8 tấn/ha, trong khi đó ruộng đối chứng đạt trên 7 tấn/ha và những cánh đồng trong khu vực chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha.
Cũng theo ông Tiến, ngoài năng suất khả quan thì quy trình AWD còn giúp bà con giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30%, giảm lượng phân bón hóa học khoảng 10%. Hạt lúa sạch, xanh hơn, tăng năng suất, giảm phát thải và tăng cường sức khỏe cho người trồng lúa. Do là quy trình canh tác còn khá mới trong nông dân, để bà con an tâm thực hiện, Net Zero Carbon thực hiện chính sách “bù đắp” nếu sản lượng lúa từ mô hình thấp hơn so với bình quân của huyện.
Với sự tham gia liên kết của 4 doanh nghiệp cùng hợp tác hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình nên mỗi doanh nghiệp đều có chức năng riêng để giúp người dân sản xuất đạt hiệu quả như mục tiêu mà mô hình đề ra. Cụ thể, nông dân được hỗ trợ giải pháp canh tác theo hình thức ướt - khô xen kẽ; được cung cấp phân bón thông minh và đây là một giải pháp giảm chi phí đầu vào, giúp lúa chắc khỏe, ít sâu bệnh; nông dân được hỗ trợ quan trắc, đo đạc, đánh giá và báo cáo thẩm định lượng phát thải khí nhà kính từ cây lúa, đồng thời doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vệ tinh để theo dõi và chụp ảnh toàn bộ quá trình phát triển của ruộng lúa. Sau khi kết thúc mùa vụ, từ những dữ liệu thu thập được, đơn vị doanh nghiệp có liên quan sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, đưa ra mức giảm phát thải và phát hành báo cáo.
Gợi mở hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp
Qua khảo sát thực tế đồng ruộng, nhiều nông dân trong tỉnh Hậu Giang đánh giá, đối với ruộng thực hiện mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt- khô xen kẽ”, hạt lúa có màu vàng óng ánh, tỷ lệ lúa bị đổ ngã trên đồng ruộng ít, hạt lép trên bông cũng ít hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống.
Khi được tiếp cận với phương pháp canh tác mới, ông La Văn Hành, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Trước đây, tôi đã từng áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ, tuy nhiên chưa nghiêm ngặt.
Hiện nay, sản xuất lúa rất phát triển với công nghệ sạ cụm bón phân vùi, sạ bằng thiết bị bay không người lái hay sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học; còn mặt ruộng được cải tạo bằng phẳng, từ đó giúp bà con có điều kiện áp dụng những mô hình mới hiệu quả vào sản xuất, trong đó điển hình là mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ mà tôi phối hợp cùng một số công ty thực hiện trong vụ lúa Thu đông này.
Với những thông tin mà các công ty đã triển khai ngay từ đầu vụ thì tôi kỳ vọng mô hình sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là giảm chi phí để có thêm lợi nhuận”.
Cùng chia sẻ về mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ, ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho hay: “Sau khi làm việc với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, trong vụ lúa Hè thu này, HTX đã thực hiện thí điểm 5ha sản xuất theo mô hình ướt - khô xen kẽ. Hiện tại, trà lúa trong mô hình đã trên 60 ngày tuổi, phát triển tốt hơn so với ruộng canh tác theo truyền thống.
Đặc biệt, khi canh tác theo quy trình ướt - khô xen kẽ, rễ cây lúa phát triển rất sâu trong đất nên cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, từ đó nông dân hạn chế bón phân và thuốc bảo vệ thực vật vì cây lúa khỏe, ít sâu bệnh. Ước tính sơ bộ, canh tác lúa theo mô hình ướt - khô xen kẽ sẽ giảm ít nhất 20% chi phí so với canh tác truyền thống”.
Quy trình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ có tổng thời gian giữ ruộng ướt là 47 ngày và 53 ngày khô. Trong đó, nông dân chia thành 4 lần lấy nước vào ruộng và 5 lần xả nước ra. Ở giai đoạn từ 85 ngày sau sạ, bà con xả nước khô tự nhiên, xiết nước 10-14 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, nâng cao phẩm chất gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch.
Theo đánh giá của kỹ sư hướng dẫn mô hình thì lượng khí phát thải ra môi trường bị ảnh hưởng bởi thời gian khô ướt trên ruộng. Nếu quá trình canh tác, thời gian khô kéo dài, lượng khí phát thải sẽ thấp hơn. Trong quá trình thực hiện mô hình, các doanh nghiệp có tham gia sẽ hỗ trợ người dân quan trắc, đo đạc, đánh giá và báo cáo thẩm định lượng giảm phát thải khí nhà kính từ cây lúa; đồng thời chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vệ tinh để theo dõi và chụp ảnh toàn bộ quá trình phát triển của ruộng lúa.
“Việc canh tác đúng theo quy trình ướt - khô xen kẽ, đồng thời kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo sẽ giúp bà con có thể giảm được lượng phát thải từ 3,5-4 tấn/ha/vụ lúa. Qua đây, khi kết thúc vụ sản xuất lúa, ngoài bán hạt lúa chất lượng cao thì nông dân còn có nguồn thu nhập hấp dẫn khác từ việc bán tín chỉ carbon nhờ canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Với hướng đi này, đơn vị mong muốn có điều kiện được tham gia một phần vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mà Bộ NN&PTNT đang triển khai”, ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, thông tin thêm./.