Cảnh báo trên vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi đến khách hàng trước tình trạng một số ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu có tính năng tự động truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng.
Theo Vietcombank, khi người dùng cung cấp thông tin tên truy cập và mật khẩu, ứng dụng sẽ sử dụng các thông tin này để truy cập dịch vụ ngân hàng số của khách hàng, lấy các thông tin về tài khoản, giao dịch, số dư và chuyển về ứng dụng quản lý tài chính, quản lý chi tiêu. Từ đó, khách hàng có nguy cơ bị chiếm đoạt thông tin dịch vụ và bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Do đó, để đảm bảo an toàn, Vietcombank khuyến cáo khách hàng không chia sẻ thông tin đăng nhập dịch vụ ngân hàng số với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác; chỉ thực hiện truy cập dịch vụ VCB Digibank từ website chính thức của Vietcombank hoặc ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank.
Vietcombank khẳng định, ngân hàng này không có dịch vụ liên kết với bất kỳ ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu nào trên thị trường. Trong trường hợp nghi ngờ bị đánh cắp thông tin dịch vụ VCB Digibank, khách hàng cần tạm thời khóa dịch vụ bằng cách soạn tin nhắn VCB KHOA DIGIBANK gửi 6167 hoặc đổi mật khẩu dịch vụ và liên hệ ngay với Tổng đài của Vietcombank theo số 1900545413 hoặc đến điểm giao dịch gần nhất của Vietcombank (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ kịp thời.
Được biết, trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã khuyến cáo khách hàng không tải và cài đặt phần mềm "Fast Cleaner"; hoặc nếu đã cài ứng dụng, hãy gỡ bỏ ứng dụng ngay lập tức và đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng. Lý do MB đưa ra khuyến cáo trên là bởi Fast Cleaner dù được giới thiệu là ứng dụng giúp tăng tốc thiết bị, loại bỏ dung lượng rác và tối ưu pin trên thiết bị Android nhưng thực chất lại chứa mã độc Xenomorph 3. Mã độc này có khả năng đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng, số dư tài khoản... và thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân...
MB khuyến cáo người dùng nên đánh giá kỹ về nhu cầu sử dụng, sự cần thiết và độ tin cậy của ứng dụng trước khi cài đặt bất kỳ phần mềm nào lên thiết bị.
Người dùng có thể bật Google play protect để quét ứng dụng và phát hiện các phần mềm độc hại trên thiết bị Android hoặc sử dụng phần mềm bảo mật, diệt virus (Anti-Virus) có tính năng tương tự.
Theo Bộ Công an, hiện này tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có những thủ đoạn mới xuất hiện nhằm đánh lừa các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân, để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an đề nghị người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng.
Đồng thời, đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Khi nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết...