Cảnh báo rủi ro từ việc để rò rỉ thông tin Căn cước công dân

Thời gian gần đây, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, CCCD/CMND của người dân diễn biến phức tạp. Theo cơ quan Công an, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo đó, Công an tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, chỉ rõ một số thủ đoạn mà các đối tượng xấu có thể lợi dụng để đánh cắp thông tin để người dân nắm bắt cảnh giác, phòng ngừa.

Cụ thể, các đối tượng xấu đã lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online để mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.

Tiếp đến, các đối tượng xấu còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD/CMND (có thể trả cho người dân từ 100.000 - 300.000 đồng trên mỗi CCCD/CMND được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân và nhiều thủ đoạn khác.

kinh-te-so-1683625028.jpg
Ảnh minh họa.

Được biết, khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng xấu sẽ bán thông tin cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế...gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.

Bên cạnh đó, các đối tượng xấu còn dùng chiêu làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền nhằm đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt.

Theo ghi nhận, phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Trà Vinh đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Đặc biệt, người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường hợp bị mất CCCD/CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD/CMND không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD/CMND.

Khi phát hiện các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD/CMND để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Nếu nghi ngờ, phát hiện số CCCD/CMND bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê CCCD/CMND hoặc mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu biết đối tượng sử dụng CCCD/CMND, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm./.

Theo một nghiên cứu, mặc dù phần lớn (tới 80%) nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng nhưng cũng có tới 20% còn lại thuộc về nhà cung cấp dịch vụ. Các đơn vị này có những sở hở như lỗ hổng bảo mật trên các hệ thống; lỗ hổng trong ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ; lỗ hổng trong chính sách bảo mật thông tin khách hàng của đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó có những doanh nghiệp chủ ý đưa thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Hiện nay, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng trong việc quy định đối với lưu trữ, thu thập dữ liệu cá nhân của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp... từ đó dẫn tới câu chuyện đơn vị nào cũng có thể thoải mái lấy thông tin khách hàng nhưng không có trách nhiệm gì để bảo vệ các thông tin này. Chúng ta cũng chưa thực sự có chế tài mạnh mẽ trong việc xử lý các trường hợp mua bán dữ liệu cá nhân và sử dụng các thông tin này cho các mục đích thương mại như quảng cáo rác. Mọi việc vẫn diễn ra đều đều hằng ngày nhưng chúng ta không có đủ nguồn lực để rà soát kiểm tra, đánh giá cũng như tiến hành xử lý.

Chúng ta đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia với các tiêu chí rõ ràng về kinh tế số, xã hội số, công dân số việc xây dựng các nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là việc cực kỳ cấp thiết và quan trọng để đảm bảo chúng ta có một không gian số lành mạnh đảm bảo cho các mục tiêu phát triển quốc gia.

Theo chuyên gia bảo mật Vũ Lâm Bằng

Ánh Dương (t/h)