Rừng phòng hộ là rừng được trồng và sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, đất của môi trường tự nhiên. Rừng sẽ giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai, đồng thời điều hòa khí hậu, hơn cả là bảo vệ, điều hoà môi trường sinh thái.
Rừng phòng hộ được chia ra thành nhiều loại khác nhau gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể:
Một là rừng phòng hộ đầu nguồn, loại rừng này giúp điều tiết nguồn nước nhằm hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…
Hai là rừng phòng hộ ngăn tác hại do gió, bão, loại rừng này được ví như tấm khiên xanh khổng lồ có công dụng chắn cát để bảo vệ xóm làng, đồng ruộng, đường giao thông, rừng này thường tập trung chủ yếu ở ven biển.
Ba là rừng phòng hộ ngăn sóng, loại rừng này có vai trò bảo vệ công trình ven biển, cố định bùn cát lắng đọng để hình thành đất mới. Loại rừng này thường sinh trưởng tự nhiên hoặc được gây trồng ở cửa các dòng sông.
Bốn là rừng phòng hộ được trồng xung quanh các điểm dân cư, khu công nghiệp, đô thị, loại rừng này giúp cư dân sinh sống trong những khu vực này được hưởng bầu không khí trong lành bởi nó có chức năng điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, còn có một số loại rừng phòng hộ khác có thể bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là loại rừng có thể điều hòa, chống ô nhiễm môi trường, khu đô thị, du lịch…
Hiện nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH. Nhiều dự án phát triển chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng, sạt lở đất rừng tăng cao...
Nếu không có các biện pháp bảo vệ rừng ngay từ bây giờ thì khi không còn rừng, lũ lụt sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng tăng lên và không diễn ra theo quy luật, đẩy con người vào cảnh nguy hiểm đến tính mạng, mất nhà cửa, mất nguồn tài nguyên thiên nhiên, đi lại gặp nhiều khó khăn .…Có thể thấy, rừng phòng hộ có vai trò vô cùng trọng yếu đối với đời sống của con người và các hệ sinh thái khác.
Do đó, để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
- Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng.
- Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp công bố năm 2019, cả nước có 14,45 triệu ha rừng, tương đương độ che phủ 41,85%. Đây là con số thoạt nhìn thì đáng mừng. Vì những năm 1945, diện tích rừng chỉ chiếm 45% tổng diện tích và bị giảm dần. Đến năm 1999, diện tích rừng bị thu hẹp chỉ còn khoảng 33%. Lúc này nhà nước bắt đầu có chính sách kịp thời để trồng rừng và khôi phục lại rừng, từ đó diện tích rừng đã tăng dần lên.
Trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng hiện nay, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.