Nghệ An: Nhiều diện tích rừng bần bị giáp xác gây hại

Hơn 17ha cây Bần chua trồng mới gần 1 năm tuổi ở các xã Nghi Thái, Nghi Xuân, Phúc Thọ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang dần biến mất do sự gây hại của một loại giáp xác chân đều.
rung-ban-trong-moi-bi-giap-xac-chan-deu-gay-hai-tai-huyen-nghi-loc-nghe-an-1-1666625074.jpg
Nhiều diện tích rừng bần chua tại huyện Nghi Lộc bị giáp xác chân đều gây hại

Năm 2021, thực hiện dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Nghệ An” FMCR đã triển khai trồng mới 17,36 ha rừng ngập mặn bằng cây Bần chua tại các xã Nghi Thái, Nghi Xuân, Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc). Với kỳ vọng tạo ra dải rừng ngập mặn bảo vệ đê ven sông Lam và cải tạo môi trường khu vực, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, chống biến đổi khí hậu.

Sau gần 1 năm, trên 17 ha cây Bần trồng các địa phương nói trên đều đã thích nghi và sinh trưởng phát triển tốt, cây bần đạt chiều cao trung bình 0,8 – 1 m, đường kính thân trung bình đạt 3cm.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, các diện tích rừng Bần có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém và chết dần. Tính đến giữa tháng 8/2022 tỷ lệ cây Bần bị chết tại các địa phương tương ứng Nghi Thái 90%, Phúc Thọ 60%, Nghi Xuân 50%.

Trước tình hình đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An đã chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm huyện Nghi Lộc, Ban Quản lý dự án FMCR tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp thành lập đoàn công tác để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây chết héo cây Bần chua tại các địa phương trên.
Qua kiểm tra thực tế tại các vùng trồng, cây Bần bị chết có triệu chứng xuất hiện nhiều vết đục trên thân, các vết đục tròn đều, có đường kính 4-5mm, xuyên vào trong thân, khi bẻ đôi thân tại các vết đục bên trong có nhiều đường đục và có rất nhiều giáp xác trú ngụ.

Bước đầu đoàn công tác xác định nguyên nhân gây chết trên cây Bần chua tại huyện Nghi Lộc là do một loại giáp xác chân đều gây ra; đồng thời đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận sự gây hại của loại giáp xác này trên cây Bần chua tại Nghệ An.

trieu-chung-ben-ngoai-than-cay-bi-giap-xac-chan-deu-gay-hai-1666625244.jpg
Cây Bần chua gần 1 năm tuổi bị giáp xác chân đều "tấn công"

Hiện tại, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa xác định được chính xác tên loài cũng như phương án phòng trừ phù hợp. Vì vậy, để hạn chế tác hại và sự lây lan gây hại của loại giáp xác chân đều, bảo vệ diện tích rừng Bần, bước đầu Sở NN&PTNT hướng dẫn địa phương chặt, thu gom các cây bị chết đưa lên bờ tiêu hủy nhằm giảm mật độ giáp xác, hạn chế lây lan sang diện tích rừng xung quanh. Thuê chuyên gia trong lĩnh vực sâu, bệnh hại rừng ngập mặn để kiểm tra, giám định loài và đề xuất phương án phòng trừ hiệu quả phục vụ cho công tác trồng và bảo vệ rừng Bần trước sự gây hại nghiêm trọng của loài giáp xác trên.

Quốc Cường