

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Theo số liệu ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời.

Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, ô nhiễm tại các bãi chôn lấp rác đang gây bức xúc đối với xã hội.
Việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp. Thế nhưng hiện tại, các chương trình PLRTN ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.
Các giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế. Hình ảnh những thùng rác sơn khác mầu, dành cho ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác nhau đã trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn vài năm gần đây.

Dù một số chương trình PLRTN đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, nhưng việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, chuyên gia Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XIII, cho rằng, mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng hiện không phải ai cũng nhận thức đúng yêu cầu của việc phân loại rác tại nguồn. Cho nên cái việc tập trung đầu tư phân loại rác thải phải nói là còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xử lý chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương cũng đã đầu tư, ban nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải.
Đơn cử như TP. Hà Nội, cách đây 18 năm cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại chất thái rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố lâm vào tình trạng “đánh trồng bỏ dùi”.

Còn việc phân loại chất thái rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn hiện chủ yếu được tiến hành ngay tại hộ gia đình. Giấy, bìa các-tông, kim loại, chai nhựa (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà thường để lẫn lộn cả thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như: Túi ni-lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết...
Đặc biệt, việc phân loại đem lại hiệu quả thấp, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ và chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc PLRTN.

Như Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã phản ánh ở bài viết trước, hiện việc tổ chức quản lý, phân loại chất thải rắn vẫn đang bộc lộ hàng loạt những tồn tại, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội. Chuyên gia Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nhận xét rằng, suy cho cùng cùng vấn đề vẫn là do cách quản lý.

Cái sự “trễ mãi” mà chuyên gia Bùi Thị An lo ngại đang hiện hữu ở các dự án xử lý rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội. Thành phố có 4 dự án xử lý rác thải, nhưng đều đang triển khai rất chậm chạp.
Đó là Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác có phát điện với công suất 1.500 tấn/ngày-đêm tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ). TP. Hà Nội đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên cũng vấp phải sự phản đối của người dân trong vùng dự án.
Kế đó là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn rác/ngày-đêm, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất 75MW. Nhà máy này dự kiến khởi công trong tháng 5/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Tiếp nữa là 2 dự án tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, bao gồm: Dự án xử lý rác thải thu hồi điện (công suất 1.000 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 15,5MW) và Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng (công suất 500 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 12MW).
Theo các chuyên gia môi trường, những giải pháp của Hà Nội, trong đó có việc xây dựng nhà máy đốt rác cũng chỉ là các biện pháp kéo dài thời gian cho các nhà máy rác thêm vài năm. Ở các nước phát triển, việc đốt rác phát điện rất hiệu quả do họ phân loại rác được từ đầu nguồn.
Việc PLRTN là giải pháp căn cơ để giải quyết “khủng hoảng rác” ở các đô thị lớn hiện nay. Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có quy định về việc xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

Đây là cơ sở để tiếp tục có các biện pháp xử lý trong việc phân loại rác tại nguồn. Làm tốt công tác phân loại rác cũng tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác, từ đó đưa công tác xử lý rác đạt hiệu quả cao.
Theo chuyên gia Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, để xử lý rác thải một cách triệt để thì phải có những điều kiện đấy, nhưng chúng ta lại chưa có. Đặc biệt, theo bà An, công tác xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn rất thiếu đồng bộ.

Chuyên gia Bùi Thị An cho rằng, sự thiếu đồng bộ này chúng ta phải khắc phục giải quyết xử lý triệt để tận gốc. Mong rằng các các cấp, ngành, địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng cần vào cuộc để môi trường sống luôn xanh - sạch - đẹp.
