Biến "nguy" thành "cơ”

Suốt hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, các doanh nghiệp bảo hiểm tạo nên “cú chuyển mình” biến “nguy" thành "cơ” khi đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm hiện có 76 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với năm 2020.

Trong năm 2021, những doanh nghiệp này đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng, tăng 22,24% so với năm 2020. Cùng với đó là chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình của người dân trước những rủi ro, biến động ngày một được nâng cao, một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao giữa đại dịch là các doanh nghiệp bảo hiểm đang ngày càng chú trọng vào quá trình chuyển đổi số.

ThS. Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bảo hiểm đã gia tăng tốc độ chuyển đổi số để tăng sự công khai minh bạch, tăng lợi ích cho khách hàng.

Theo bà Phạm Thu Phương, hiện các doanh nghiệp đều vận hành website riêng và ứng dụng cho các quy trình kinh doanh như mua bảo hiểm trực tuyến, giải quyết yêu cầu bồi thường, chăm sóc khách hàng... phát triển các ứng dụng hỗ trợ đại lý nâng cao năng suất làm việc. Nhiều doanh nghiệp cũng hợp tác với bên thứ 3 để bán sản phẩm như ngân hàng số, các sàn giao dịch điện tử, bước đầu hình thành hệ sinh thái số khép kín phục vụ khách hàng.

Là một trong những doanh nghiệp sớm chú trọng đầu tư chuyển đổi số, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam) đã vượt "bão COVID-19", duy trì mức tăng trưởng tốt đồng thời còn tăng cường kết nối số với khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ.

cds-nguythanhco-1642654913.jpeg
Ảnh minh hoạ

Sau hơn 2 năm triển khai, Chubb Life Việt Nam đã hoàn thiện nền tảng công nghệ số thông minh dành cho cả đội ngũ kinh doanh và khách hàng, góp phần nâng trải nghiệm giao dịch bảo hiểm số tại Việt Nam. Các nền tảng số còn giúp Chubb Life Việt Nam duy trì kết nối số giữa văn phòng công ty - đội ngũ kinh doanh - khách hàng một cách thông suốt ngay cả trong thời kỳ phòng chống dịch bệnh.

Nhờ triển khai các ứng dụng số hiện đại, năm 2020, các chỉ tiêu kinh doanh của Chubb Life Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 822 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 45% so với năm 2019.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 11/2021,  công ty này đã giải quyết bồi thường cho nhiều khách hàng; trong đó có đến 25,9% trường hợp nằm viện và 10% trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, có trường hợp số tiền bồi thường cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Khách hàng được giải quyết chỉ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi gửi yêu cầu.

Đại diện Chubb Life Việt Nam cho biết, “kim chỉ nam” định hướng hành trình số hóa của công ty gồm 4 tiêu chí Đơn giản hóa – Tự động hóa – Công nghệ hóa – Trẻ trung hóa. Bên cạnh đó, công ty luôn chú trọng trang bị cho đội ngũ kinh doanh những công nghệ hiện đại, từ đó, hoàn thiện hệ sinh thái số Chubb SmartAgency - tích hợp các tính năng vượt trội, hỗ trợ đội ngũ kinh doanh quản lý công việc hiệu quả và chuyên nghiệp.

Đặc biệt, công ty cũng không ngừng nâng cấp hệ sinh thái số để tạo nên những trải nghiệm tiện lợi nhất cho khách hàng. Chubb Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sớm đưa các ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng trực tuyến như Trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, eApplication, ePolicy, eLetter, ePayment, eClaim, Chubb eConnect - ứng dụng được xem như hệ sinh thái số tích hợp đầy đủ các tiện ích trực tuyến dành cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Không nằm ngoài con đường chuyển đổi số, các công ty bảo hiểm khác cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Các công ty thực hiện số hóa xuyên suốt các quy trình bảo hiểm, từ tư vấn, thẩm định, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đến giám định, bồi thường trực tuyến. Qua đó, rút ngắn thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm, hướng tới hệ sinh thái số đa dạng, toàn diện đối với khách hàng.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, công nghệ đã tạo nên các sản phẩm bảo hiểm đơn giản thân thiện, nhờ đó khách hàng có thể dễ dàng tra cứu nội dung các hợp đồng bảo hiểm để giải đáp thông tin ngay lập tức.

Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm cũng được cá thể hóa và mang đến các sản phẩm bảo hiểm tích cực dựa vào các dữ liệu về sức khỏe, thói quen. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng quản trị, số hóa các quy trình nghiệp vụ, tiến tới giao dịch không giấy tờ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tương tác với khách hàng. Công nghệ cũng mang đến các kênh phân phối và mô hình bảo hiểm mới tăng sự công khai minh bạch, tăng lợi ích cho khách hàng.

Theo bà Phạm Thu Phương, để chuyển đổi số thành công, các công ty bảo hiểm cần kiên định triển khai quá trình này với việc đầu tư thỏa đáng về thời gian, chi phí, nhân lực.

Về hành lang pháp luật, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đang được sửa đổi với nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Cụ thể, dự thảo như định rõ nguyên tắc bán bảo hiểm online đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo mật thông tin khách hàng; đơn giản hóa tối đa thủ tục phê chuẩn, đăng ký sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, để vừa trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, vừa giúp họ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hình thành cơ chế kết nối dữ liệu với các ngành khác …/.