Chi phí vật tư tăng cao, nông dân khó khăn trong sản xuất vụ Đông Xuân

Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.000 ha, phấn đấu sản lượng thu hoạch đạt hơn 2 triệu tấn lúa.

Đến nay, tỉnh xuống giống hơn 200.000 ha, tập trung ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân lo lắng sản xuất vụ lúa này không có lời.

Theo nhiều nông dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), chi phí sản xuất lúa vụ Đông Xuân có mức từ 35 - 40 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với vụ mùa năm trước. Nếu năng suất lúa thu hoạch 7 - 8 tấn/ha, giá thị trường ở mức 5.000 - 5.500 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận 1 - 2 triệu đồng/ha.

Nông dân Nguyễn Văn Hiền, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay, gia đình anh gieo sạ 15 công (1,5 ha), nhưng chi phí khoảng 4 triệu đồng/công. Phân bón năm nay giá tăng gấp đôi so với giá phân sản xuất vụ Đông Xuân năm rồi như Urê, DAP giá hơn 1 triệu đồng/bao. Thuốc trừ sâu, xăng dầu, thuê mướn công lao động, làm đất… đều tăng giá. Tình hình sản xuất vụ lúa này rất khó khăn, nhất là giá cả thị trường khi thu hoạch lúa chưa biết sẽ như thế nào. Lúa 5.000 đồng/kg, nông dân coi như trắng tay.

canh-dong-mang-thit-1639451837.jpg
Chi phí vật tư tăng cao, nông dân khó khăn trong sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh minh họa

Tương tự, gia đình bà Lại Thị Cẩm Vân vụ này gieo sạ 9 công. So với năm trước, giá phân năm nay tăng gấp đôi và còn làm đất, lúa giống, thuê công dặm lúa, thuốc trừ sâu, bơm nước, thu hoạch… tính hết tất cả chi phí năm nay quá cao. Đó còn chưa kể nếu gặp thời tiết bất lợi, khô hạn thiếu nước, sâu bệnh gây hại thì tốn thêm chi phí. Với sản xuất vụ Đông Xuân này, đến khi thu hoạch giá lúa phải từ 6.000 - 6.500 đồng/kg trở lên nông dân mới có lãi.

Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2021 - 2022, nông dân Kiên Giang gặp bất lợi là giá vật tư nông nghiệp tăng gấp đôi so với vụ mùa năm trước, nhất là phân bón Urê, NPK, DAP, thuốc trừ sâu… Bên cạnh đó, những chi phí khác cũng tăng khá cao như: xăng dầu, làm đất, bơm tát, lúa giống, công lao động… dẫn đến tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận thấp, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Trong khi đó, đây là vụ lúa chính, chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hàng năm của nông dân Kiên Giang.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Thảo, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp vẫn kỳ vọng năng suất lúa năm nay cũng như giá cả thị trường tương đương năm rồi, bình quân 1 tấn/công, giá 6.000 - 6.500 đồng/kg trở lên là thắng lợi. Từ nay đến cuối vụ thu hoạch, nếu Nhà nước có giải pháp kiềm chế, hạ giá phân bón, ổn định giá lúa trên thị trường ở mức này hoặc tăng cao hơn thì nông dân rất mừng, sản xuất có lãi, ổn định cuộc sống gia đình trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp.

Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 an toàn và hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống phù hợp với thực tế điều kiện tự nhiên trên từng vùng sản xuất.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố vận động nông dân tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để xảy ra hiện tượng nhiều trà lúa xuất hiện trên cùng một cánh đồng; đồng thời, khuyến cáo bà con sử dụng các giống lúa xác nhận chủ lực, khả năng kháng sâu bệnh, hạn mặn và cho năng suất cao, chất lượng nông sản tốt để gieo trồng...

Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi trên các vùng sản xuất trọng điểm, đảm bảo điều tiết nguồn nước sản xuất, nhất là bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, không để xảy ra thiếu nước, mặn xâm nhiễm từ giữa đến cuối vụ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và xuất khẩu, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm mua bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, nâng giá trái quy định… để giúp nông dân sử dụng sản phẩm chất lượng, sản xuất an toàn và hiệu quả./.