Bắt đầu triển khai lúa mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Chiều 2/5 tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương với tổng diện tích khoảng 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 – 2026.
5 địa phương được chọn để thực hiện mô hình điểm trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là điển hình ở 5 vùng đất có đặc thù khác nhau. Cụ thể gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang (đất phèn mặn), Đồng Tháp (đất đầu nguồn), Trà Vinh (đất bồi, phù sa). Mô hình sẽ thực hiện từ quy trình canh tác đến đo lượng phát thải ra và thực hiện ngay từ vụ hè thu năm nay.
Tại Sóc Trăng, ông Trần Tấn Phương Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết địa phương đăng ký thí điểm mô hình tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức huyện Long Phú.
“Hưng Lợi này có điều kiện thuận lợi, nền đất cao, thoát nước tốt; đã có doanh nghiệp đầu tư nhà kho cạnh bên kho HTX. Các xã viên đã quen với việc sạ hàng”, ông Trần Tấn Phương cho biết.
Để triển khai thực hiện thí điểm, các cánh đồng tham gia phải thực hiện theo quy trình canh tác đề ra theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Trong đó cánh đồng thực hiện thí điểm sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, bón phân chuyên vùng chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân.
Nơi đây sẽ quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM, đứa máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm; đồng thời với đó, lượng lúa giống gieo sạ sẽ giảm đáng kể và lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực hiện cũng giảm theo.
Hỗ trợ nông dân canh tác lúa theo quy trình chuẩn
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Các giải pháp kỹ thuật thực hiện theo quy trình của Cục trồng trọt ban hành, có đo mực nước và thu gom rơm rạ ở vụ đông xuân vừa qua.
"Chúng tôi đã phân công cán bộ khuyến nông cùng xây dựng tốt khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ nông dân. Hiện chúng tôi đang rà soát để đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ hơn cho mô hình” ông Nghiêm cho hay.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đây là dự án có thể giúp chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất của ĐBSCL trong ngành lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý và người nông dân cũng rất đồng tình. Ngân hàng Thế giới đã xác định dự án này là dự án trọng điểm ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương để từ đó nhân rộng ra các nước châu Á.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã phê duyệt kế hoạch và phân công nhiệm vụ thực hiện mô hình thí điểm. Trong đó, các đơn vị như Cục Trồng trọt, Cục kinh tế hợp tác, Trung tâm khuyến nông Quốc gia v.v.. sẽ tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chỉ đạo, tổ chức sản xuất, đánh giá, rà soát quy trình canh tác trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình.
Về nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm, Thứ trưởng Nam cho biết, các địa phương tham gia và Trung ương sẽ cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, địa phương chi trả về vật tư và hạ tầng. Ngoài ra còn có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cũng cam kết hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ gieo sạ bằng máy (tối đa 50ha/mô hình); hỗ trợ 50% chi phí giống xác nhận (còn lại là nguồn hỗ trợ của địa phương); thiết bị đo mực nước tự động; đo đếm các chỉ tiêu nông học, đất, tính toán hiệu quả kinh tế…
“5 mô hình điểm này điểm ở các mặt. Điểm về quy trình sản xuất bền vững, điểm về đo đếm hệ phát thải, điểm về nâng cao năng lực HTX. Hiện tôi đã chỉ đạo Viện Khoa học Thủy lợi là đến các địa phương làm thiết kế mẫu về hệ thống thủy lợi nội đồng. Mô hình này là toàn diện để tháng 8, 9 có mô hình, ra được gạo giảm phát thải, sau đó làm tiếp vụ thu đông và đông xuân. Sau 3 vụ như vậy thì chúng ta mới có đáp số chính thức cho hệ số giảm phát thải”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh./.