Lúa tôm tuần hoàn tối ưu lợi thế
Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng và mở ra cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là người nông dân đã khai sáng ra mô hình “lúa - tôm” mà các nhà khoa học sau gần 10 năm nghiên cứu, đúc kết mới khẳng định: Đây chính là mô hình sản xuất “thuận thiên”, góp phần hóa giải các thách thức do BĐKH gây ra, nhất là tăng khả năng chống chịu, ứng phó và thích nghi với hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện lượng nguồn nước ngọt không còn dồi dào như xưa.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tổ chức chiều 30/12 vừa qua, từ điểm cầu tỉnh Bến Tre, nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) đặt câu hỏi tới về vấn đề xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm.
Ông Đặng Văn Bảy chia sẻ con tôm Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 180 nước trên thế giới, hàng năm, riêng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,5-4 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ của ngành nông nghiệp, mà của cả nền kinh tế. Trong thời gian qua, ở một số địa phương vùng ĐBSCL đã phát triển mô hình lúa- tôm cho hiệu quả khá tốt.
Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm. Ông Đặng Văn Bảy mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn.
Trả lời câu hỏi của ông Đặng Văn Bảy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái, tôm "ôm" lúa như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, lan tới Bến Tre, Trà Vinh. Như Thủ tướng đã nói, đây chính là nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác được thương hiệu gạo kèm với con tôm. Hiện bà con mới chỉ chú trọng bán tôm chứ chưa nghĩ tới bán gạo cây từ ruộng tôm. Đó là điều chúng ta cần thay đổi tư duy để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành nông nghiệp.
Sở dĩ mô hình lúa - tôm không ngừng được quan tâm mở rộng, vì con tôm đã giúp nhiều nông dân đổi đời, làm thay đổi diện mạo cả vùng nông thôn, biến những nơi quanh năm phải đối mặt với nghèo khó, nhọc nhằn trở thành những vùng quê đáng sống với những xóm, ấp tỷ phú ngày một nhiều thêm. Đối với người nông dân vùng ĐBSCL, lúa - tôm không đơn giản là mô hình “thuận thiên”, mà còn là mô hình sản xuất “thông minh” khi góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội, môi trường liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững. Một trong những vấn đề mang tính toàn cầu ấy là làm giảm sự tác động xấu đến môi trường do chính quá trình sản xuất tạo ra. Tuy nhiên những tiềm năng, thế mạnh của mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL vẫn chưa được phát huy.
Cần đẩy mạnh và hoàn thiện liên kết chuỗi lúa - tôm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra vấn đề của ngành hàng tôm ở ĐBSCL là môi trường, liên kết chuỗi ngành hàng giữa nông dân và doanh nghiệp. Các tỉnh ĐBSCL phải nhanh chóng xây dựng Hiệp hội ngành hàng tôm, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp, người nuôi tôm, nếu cứ làm riêng thì vấn đề tổn thất về dịch bệnh… của con tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đáng báo động.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm hiện một số thị trường nhập khẩu lớn đã áp dụng các quy định về chống bán phá giá tôm nước mặn, do người nuôi không bảo đảm môi trường. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn những người có tầm ảnh hưởng như ông Bảy có thể đứng ra hiệu triệu, kêu gọi bà con, nông dân cùng tham gia hợp tác xã, cùng xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn.
"Vì nếu một ao nuôi ô nhiễm, thải ra môi trường rồi ao khác bơm nước vào thì vấn đề ô nhiễm sẽ nhanh chóng lan rộng, dịch bệnh theo đó cũng lây lan nhanh," Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau môi trường thì vấn đề bất cập thứ hai của ngành tôm chính là con giống. Việc chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ngành tôm. Đây chính là điểm yếu kém của ngành nông nghiệp.
“Để giải quyết vấn đề nay vẫn rất cần sự chung tay, liên kết của các hộ dân. Nếu càng cắt rời thì tính rủi ro càng cao, do đó tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là cần cấu trúc ngành hàng từ sản xuất cho tới doanh nghiệp, tới thị trường, kể cả bộ phận thương lái, những người cung cấp thức ăn, giống, vật tư đầu vào…,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trả lời câu hỏi của nông dân Đặng Văn Bảy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hệ sinh thái nuôi tôm và trồng lúa cũng là một mô hình kinh tế tuần hoàn. Để làm tốt, muốn có hệ sinh thái tốt thì quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên và Nhà nước phải làm, như tỉnh Bến Tre phải dành bao nhiêu hécta để nuôi tôm kết hợp trồng lúa.
Bên cạnh quy hoạch, Thủ tướng cho biết Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, sinh phẩm… và lo đầu ra cho sản phẩm.
Thứ ba, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho bà con các vấn đề về vốn, ứng dụng công nghệ chế biến ra sao để có thể tận dụng được triệt để cả những phần mà trước tới nay vẫn thường bỏ đi như đầu, vỏ tôm...
Cùng với đó, Nhà nước phải bảo đảm môi trường chung; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi phù hợp như cống Cái Lớn-Cái Bé tại Đồng bằng sông Cửu Long… Thủ tướng mong bà con nông dân tiếp tục kiến nghị, đề xuất các chính sách phù hợp để Nhà nước có chính sách, hỗ trợ phù hợp như về giống tôm, giống lúa, phân bón, thủy lợi…
"Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, Nhà nước lo trên cơ sở bà con có liên kết sản xuất như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và phải có đề xuất rõ ràng, cụ thể," Thủ tướng Phạm Minh Chính nói./.