Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” diễn ra ngày 11/10 tại Đại học Thủy lợi. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên thuộc các lĩnh vực pháp luật, bảo vệ môi trường và quản lý phát triển.
Mục tiêu của phát triển bền vững là đảm bảo an ninh nguồn nước
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi khẳng định, hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật vững mạnh. Từ đó, đóng góp vào nâng cao năng lực thể chế của Nhà nước.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: Quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững.
Một trong những mục tiêu của phát triển bền vững là đảm bảo an ninh nguồn nước. Vấn đề này không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia, khu vực đang dần trở thành nhiệm vụ toàn cầu, theo GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc, chuyên gia Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi.
Lấy ví dụ về tình huống kênh đào Phù Nam, một vấn đề liên quan tới quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia Tiểu vùng sông Mekong, ông Thao cho rằng quan điểm của Campuchia khi thực hiện dự án là phát triển hạ tầng để dẫn dắt nền kinh tế, tạo động lực phát triển mới.
Tuy nhiên, do Mekong là dòng sông liên quan đến nhiều quốc gia, có vị trí địa lý quan trọng, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nhưng cũng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nên việc triển khai các dự án, trong đó có kênh đào Phù Nam, cần được tiếp cận dưới nhiều góc độ để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
"Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mekong sẽ giúp các quốc gia có sông chảy qua quản trị tốt hơn, việc sản xuất lương thực và năng lượng cũng chủ động hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân", GS.TS Nguyễn Hồng Thao nói.
Vị chuyên gia về thủy lợi cũng khuyến nghị Việt Nam phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng và phát triển các cơ chế hợp tác vùng, tiểu vùng liên quan đến sông Mekong, đồng thời vận động các quốc gia liên quan ủng hộ quá trình thực thi.
Đồng thời, tham khảo thêm kinh nghiệm quản lý nguồn nước của các quốc gia trong lưu vực sông Nile, sông Danube, sông Rhein. "Tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về môi trường sẽ tạo động lực tốt nhất cho các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong phát triển thịnh vượng, vì lợi ích của thế hệ mai sau”, ông nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Thao, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết, bảo vệ tài nguyên nước là vấn đề đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia. Trong tình huống kênh đào Phù Nam, Bộ NN&PTNT đã chủ động xây dựng một số kịch bản đảm bảo nước ngọt cho người dân vùng hạ du.
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT cũng gấp rút chỉ đạo địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa.
Cùng với đó, triển khai xây dựng Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long, sau khi có Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
"Chúng tôi cam kết thu thập đầy đủ số liệu để có đánh giá chi tiết, đầy đủ hơn về các tác động, đồng thời đề xuất một số giải pháp trong ngắn và dài hạn", ông Khanh bày tỏ và nói thêm rằng, những chia sẻ tại hội thảo sáng 11/10 sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện thêm thể chế.
Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước
Trình bày tham luận "Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành", GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: “Nước là tài nguyên vô giá”. Nhận thức này ngày nay đã trở thành yếu tố không thể thay đổi trong hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.
Theo Giáo sư, tài nguyên nước có được bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước.
"Thể chế tài nguyên nước, trước hết là chính sách, pháp luật, chỉ hiệu quả và phát huy được vai trò của nó khi được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững", GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.
Tại hội thảo, các tham luận như: "Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông", "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ kinh nghiệm một số quốc gia", "Mấy vấn đề pháp lý về đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, trong bối cảnh phát triển bền vững tại Việt Nam”.... đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Hội thảo cũng cam kết tạo ra các giá trị khoa học cần thiết từ việc kết nối giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo và quản lý phát triển có thể giúp xây dựng và hoàn năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, tập trung vào một số vấn đề cốt lõi, nóng trong các lĩnh vực được coi là trụ cột của phát triển bền vững hiện nay, như: Hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường; hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững./.